Cùng tham gia Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; cùng các đồng chí Vụ trưởng, Vụ phó các Vụ Báo chí - Xuất bản, Vụ Tổ chức - Cán bộ; Vụ Giáo dục.
Tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có đồng chí GS,TS. Lê Văn Lợi, Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có PGS,TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS,TS. Trần Thanh Giang, Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, các đồng chí trưởng, phó các đơn vị chức năng trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Báo chí, xuất bản, truyền thông đã được xác định là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò này càng cần được củng cố và đẩy mạnh để tạo quyết tâm mạnh mẽ, tạo sự đồng lòng nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Để báo chí xuất bản, truyền thông làm tốt vai trò của mình, một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, yếu tố cốt lõi là chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phải thực sự được quan tâm, đúng với yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi.
Thay mặt Ban lãnh đạo Học viện, đồng chí PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã báo cáo với Đoàn công tác về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông của Học viện trong thời gian qua.
Trong hơn 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi. Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Từ một trường bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên tuyền, báo chí, xuất bản của Đảng, đến nay, Học viện đã thành một trường Đảng, trường đại học trọng điểm có uy tín, được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, tin tưởng. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực sự trở thành cái nôi đào tạo các ngành công tác tư tưởng, lý luận và báo chí, truyền thông của cả nước, đồng thời còn là trung tâm khoa học có uy tín, từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Chương trình đào tạo là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công và làm nên thương hiệu của nhà trường. Việc xây dựng, rà soát, cập nhật các chương trình đào tạo theo chu kì được Học viện thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp với các thế mạnh sẵn có trong mỗi lĩnh vực đào tạo. Mỗi chương trình đào tạo ở từng bậc học - khi xây dựng và thiết kế, ngoài việc thực hiện đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khối lượng kiến thức tối thiểu cho một chương trình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn chú trọng xây dựng các môn học đảm bảo nền tảng học thuật về lý luận chính trị, tư tưởng và kỹ năng nghề nghiệp của mỗi ngành học. Nhờ vậy, người học sau khi tốt nghiệp các trình độ đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều có kiến thức lý luận tốt và kỹ năng làm nghề chuyên sâu, đáp ứng các yêu cầu của xã hội.
Đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã kiểm định 11/40 chương trình đào tạo đại học, trong đó có 4 chương trình trong nhóm ngành tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông gồm: Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Xuất bản. Trong thời gian tới, Học viện tiếp tục kiểm định lần 2 chu kì 5 năm. Đây là một trong những điểm nhấn thể hiện chất lượng, uy tín và hội nhập với khu vực về đào tạo, bồi dưỡng.
Trong thời gian tới, để Học viện Báo chí và Tuyên truyền triển khai, thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông, PGS,TS. Phạm Minh Sơn đã nêu một số đề xuất, kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm tăng cường đầu tư hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông để thu hút nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, là các đề xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Sớm công nhận Học viện là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tuyên giáo của Đảng và truyền thông chính sách của chính quyền để có chính sách hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay...
Học viện cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư các nguồn lực cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện thành công Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển Trường thành cơ giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.
Đại diện cho cơ quan chủ quản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí GS,TS. Lê Văn Lợi, Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu những kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tạo điều kiện, quan tâm và hỗ trợ tốt nhất để Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và phát huy được thế mạnh đặc trưng trong đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường bày tỏ mong muốn, các Bộ, ban, ngành cần nghiên cứu phương án đào tạo theo cơ chế đặt hàng để Học viện có thể tập trung nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội trong tình hình mới, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, dẫn đến lãng phí.
Trong buổi làm việc, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, trong đó, các ý kiến tập trung gợi mở các nội dung, phương hướng, giải pháp và đề xuất về việc phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông, cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng, trong nghiên cứu khoa học…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông thời gian qua.
Để Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, xuất bản, truyền thông, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Học viện phải ý thức rất rõ vai trò, vị trí của một trường Đảng, một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng, phát huy tốt sứ mệnh mà Nhà trường đã xác định là“Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa, báo chí, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác”; tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại; khuyến khích giảng viên, sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông; tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại; Nhà trường cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá và xây dựng thương hiệu của Nhà trường, nhất là trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, lấy chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu làm cơ sở để quảng bá thương hiệu của Nhà trường.