Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam cho biết: Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam là đơn vị trực thuộc TTXVN, có chức năng đại diện của TTXVN tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở khu vực phía Nam, từ Ninh Thuận trở vào đến Cà Mau; đồng thời được Tổng giám đốc ủy quyền quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương của ngành về công tác thông tin và các mặt công tác khác trên địa bàn quản lý.
Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam là đơn vị cấp ban, hiện đang trực tiếp quản lý, phối hợp quản lý 36 đơn vị cấp phòng ở khu vực phía Nam, gồm: 21 cơ quan thường trú tại 21 tỉnh, thành và 15 chi nhánh, phòng đại diện, đơn vị trực thuộc tại TP Hồ Chí Minh. Cơ quan có hơn 230 viên chức, người lao động đang công tác, trong đó có 68 phóng viên tại 21 cơ quan thường trú và nhóm chuyên đề; hơn 70 phóng viên tại Chi nhánh Trung tâm Truyền hình Thông tấn và các phòng đại diện một số báo của TTXVN như: Báo Tin tức, báo Việt Nam News, Báo ảnh Việt Nam, báo Le Courrier du Vietnam, báo Thể thao & Văn hóa, Báo ảnh Dân tộc & Miền núi…
Trong 8 tháng năm 2023, các cơ quan thường trú và Tổ Chuyên đề thực hiện 8.191 tin bài văn bản (tăng 8,19%, tương đương 620 tin bài so với cùng kỳ năm 2022), thông tin ảnh đạt 20.982 ảnh (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 7,47%, tương đương 1.459 ảnh), thông tin truyền hình đạt 1.544 tin, phóng sự.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, một trong những điểm nổi bật những năm gần đây trong công tác thông tin của Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, đó là việc thực hiện hợp tác thông tin với các đối tác, đặc biệt là các tỉnh, thành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin của TTXVN, đồng thời hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ chính trị của các địa phương.
Cùng với đó, Cơ quan cũng hỗ trợ một số tỉnh, thành xây dựng các đề án truyền thông dài hạn. Việc hợp tác truyền thông này bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương cũng như TTXVN.
Nổi bật nhất là những thông tin cần tuyên truyền, quảng bá không chỉ được đăng phát đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm trên các sản phẩm thông tin tiếng Việt mà còn được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác, từ đó tạo sự lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là công tác thông tin, Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, trong đó, ba nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện chức năng đại diện khu vực của TTXVN, thực hiện các hoạt động dịch vụ và phục vụ lãnh đạo, hỗ trợ hoạt động của các đơn vị thuộc TTXVN.
Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam đã và đang thực hiện tốt chức năng đại diện khu vực, với việc ngày càng khẳng định rõ nét vị trí, vai trò, nhiệm vụ của TTXVN trong khối báo chí của khu vực phía Nam, cũng như trong mối liên hệ, việc hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng đã có một số kiến nghị: Về công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, chính trị cho giới báo chí, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo trực tiếp làm công tác thông tin báo chí cần được quan tâm hơn nữa; các cơ quan chủ quản báo chí, hội nhà báo các cấp… thường xuyên cập nhật thông tin về định hướng báo chí, mở các lớp bồi dưỡng tư tưởng để nâng cao trình độ chính trị cho đội ngũ những người làm báo.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của từng cơ quan báo chí, việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của từng nhà báo. Qua đó có chế độ khen thưởng, xử phạt công tâm, nghiêm minh, kịp thời để giữ gìn và phát huy được tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo cách mạng trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, tuy đã có những quy định khá cụ thể về hoạt động báo chí, về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí… nhưng việc thực hiện trong thực tế vẫn còn không ít bất cập. Để các cơ quan báo chí có môi trường hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích, ông Nguyễn Quốc Tuấn rất mong các bộ, ngành chức năng, các địa phương phối hợp hiệu quả, cung cấp thông tin chính thống, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
"Trên thực tế, báo chí là một nghề rất đặc thù, thậm chí nguy hiểm khi tác nghiệp trong các điều kiện như bão lũ, dịch bệnh, trong đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật…. Do đó, về mặt chính sách, nên có những chế độ phù hợp để động viên, khuyến khích sự “dấn thân”, vào cuộc của những người làm báo. Điều này nên xem xét để bổ sung vào Luật Báo chí sửa đổi và các văn bản quy phạm dưới luật trong thời gian tới", ông Nguyễn Quốc Tuấn đề xuất.
Cuối cùng, một vấn đề đang được nhiều cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm, tác động trực tiếp đến đông đảo người làm báo là việc thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; các đơn vị báo chí sẽ phải thực hiện việc trích lập các khoản theo quy định trước khi được chi bổ sung thu nhập cho người lao động nên sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tạo nguồn tài chính để chi trả thu nhập tăng thêm cho phóng viên, biên tập viên, viên chức và người lao động, đặc biệt là các đơn vị không có được nguồn thu tài chính tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực của TTXVN nói chung và Cơ quan TTXVN Khu vực phía Nam trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới đông đảo tầng lớp nhân dân, kể cả biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và kiều bào ở nước ngoài.
“Bản tin TTXVN làm rất kịp thời, nhịp nhàng, có đầy đủ các loại hình thông tin như thông tin ảnh, tin văn bản, tin truyền hình và có những định hướng kịp thời với các vấn đề dư luận quan tâm. Có thể nói, TTXVN là một trung tâm thông tin của Nhà nước, có uy tín trong trong nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp, các đồng chí lãnh đạo và bạn bè quốc tế”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí vẫn phải quán triệt tinh thần báo chí Cách mạng, và TTXVN phải đi đầu. Trước hết, đó là phục vụ công tác truyền thông của Đảng và truyền thông chính sách. Bởi trong bối cảnh hiện nay, không phải chỉ có các nước Xã hội Chủ nghĩa, mà các nước khác cũng đều coi trọng truyền thông chính sách nhằm thuận lòng dân, định hướng an dân.
Bên cạnh đó, TTXVN cần phải tuyên truyền sâu về những vấn đề mới, như nghị quyết của TP Hồ Chí Minh, quy hoạch liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch quốc gia, quy hoạch của từng địa phương hay là vấn đề rất nhạy cảm, trong đó có những bộ luật nếu không định hướng truyền thông tốt thì sẽ dễ dẫn đến những vấn đề phát sinh, như Luật đất đai.
Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong ba năm tới sẽ có những ngày kỷ niệm lớn như: Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đó, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu TTXVN phải đi đầu trong công tác tuyên truyền, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc những trọng trách nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một cơ quan Thông tấn Nhà nước.