Tại buổi làm việc, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, quá trình hình thành và những đóng góp của đội ngũ tập kết và học sinh miền Nam trên đất Bắc là minh chứng hùng hồn, sống động cho chủ trương, đường lối đúng đắn của cách mạng Việt Nam trong việc đào tạo nguồn lực cán bộ, thực hiện Hiệp định Genève, xứng đáng lưu truyền các giá trị đặc biệt tới nhân dân và khách tham quan. Đồng thời, thông qua các tư liệu, hiện vật này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc và tinh thần vượt khó để trưởng thành, phát triển của con người Việt Nam, trong đó có những người tập kết và học sinh miền Nam.
Tại buổi làm việc, các ý kiến đã thảo luận phương án thu thập tài liệu, hình ảnh, kỷ vật như tổ chức buổi gặp mặt những người tham gia tập kết hoặc gia đình những người liên quan để trao đổi và lấy thông tin. Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, việc xây dựng tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc đang được triển khai tại một số địa phương như Quy Nhơn (Bình Định); Sầm Sơn (Thanh Hóa); Cà Mau... Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đang đề xuất lựa chọn địa điểm xây dựng tượng đài tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Sau khi được UBND tỉnh đồng ý về địa điểm, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thi thiết kế ý tưởng xây dựng.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị địa phương xác định chính xác địa điểm tập kết; đồng thời, phối hợp với các địa phương thu thập hình ảnh, tư liệu, tài liệu liên quan; chủ động liên lạc với Ban Liên lạc để cung cấp thêm các tư liệu.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc thu thập tư liệu, kỷ vật liên quan đến cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và con em miền Nam tập kết ra Bắc là việc làm thiết thực để cho thế hệ trẻ nắm bắt, tìm hiểu thêm về lịch sử, những hy sinh của thế hệ cha, ông đi trước đã làm. Qua buổi làm việc, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến phát biểu của các thành viên trong Ban Liên lạc và sẽ chỉ đạo thành lập Ban thu thập tư liệu, gặp gỡ thêm các nhân chứng lịch sử, thống nhất hỗ trợ, tạo điều kiện để Ban Liên lạc thu thập được các tài liệu chính xác và hiệu quả nhất.
Chiều cùng ngày, nguyên Phó Thủ tướng Hòa Bình cùng Đoàn đã dâng hương tại Di tích lịch sử Đoàn tàu không số Lộc An (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ); khảo sát địa điểm xây dựng tượng đài tập kết tại Khu vực di tích Dốc Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Tại UBND huyện Xuyên Mộc, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương cùng Tập đoàn Charm Group và Báo Người Lao động đã phối hợp trao tặng 10.000 cờ Tổ quốc cho ngư dân và 100 suất học bổng cho học sinh nghèo huyện Xuyên Mộc trị giá 200 triệu đồng, trao 100 phần quà trị giá 200 triệu đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn của huyện.
Cách đây gần 70 năm, sau Hiệp định Genève (1954), các chuyến tàu tập kết đã chuyên chở hàng nghìn cán bộ, bộ đội, nhân dân... miền Nam ra miền Bắc. Địa bàn Hàm Tân - Xuyên Mộc (khi đó thuộc huyện Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu) được chọn làm khu vực tập kết 80 ngày cho lực lượng vũ trang các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận...
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 10 nghìn cán bộ, chiến sỹ, con em đồng bào khu vực Đông Nam Bộ tập kết trong thời gian 80 ngày tại khu vực Dốc Cây Cám; sau đó di chuyển ra vùng biển Xuyên Mộc để lên tàu ra Bắc. Trong thời gian tập kết tại đây, nhân dân Đất Đỏ, Long Điền đã thu mua ủng hộ hàng chục tấn gạo, thực phẩm cung cấp đủ cho lực lượng vũ trang chuyển quân. Đây là cuộc chuyển quân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.