Cách đây gần 70 năm, sau Hiệp định Geneve, các chuyến tàu tập kết đã chuyên chở hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, nhân dân... miền Nam ra miền Bắc. Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những địa điểm quan trọng đón tiếp các chuyến tàu tập kết từ miền Nam ra miền Bắc trong thời gian 1954 - 1955 theo tinh thần Hiệp định Geneve để từ đó hình thành một cộng đồng người miền Nam trên đất Bắc gọi là cán bộ học sinh miền Nam tập kết.
Nhằm xây dựng “Bảo tàng Tập kết” tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Ban phụ trách Đề án xây dựng “Bảo tàng Tập kết” kêu gọi các cán bộ tập kết, các gia đình tập kết, các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 đến 1975 hưởng ứng, đóng góp kỷ vật, văn bản tài liệu, hình ảnh quý giá của bản thân và gia đình để xây dựng bảo tàng này.
Tại buổi làm việc, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, “Bảo tàng Tập kết” là công trình nằm trong lòng tượng đài mang tên “Tượng đài Tập kết”, được xây dựng tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu 2024. Đây là công trình trong Khu Du lịch Văn hóa Sầm Sơn, hứa hẹn là điểm đến mang giá trị văn hóa, lịch sử. Phần nội dung trưng bày trong bảo tàng sẽ do Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phụ trách. Sở dĩ có hạng mục “Tượng đài Tập kết” và “Bảo tàng Tập kết” trong công trình này bởi Sầm Sơn - Thanh Hóa là một trong những địa điểm quan trọng đón tiếp nhiều chuyến tàu tập kết từ miền Nam ra trong thời gian 1954 - 1955 theo tinh thần Hiệp định Geneve với trên 200.000 người tập kết ra Bắc.
Ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh, mục đích lớn nhất của bảo tàng là lưu giữ, trưng bày những tư liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc dựng nước, giữ nước của nhân dân ta. Đồng thời, thông qua các tư liệu, hiện vật này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc và tinh thần vượt khó để trưởng thành, phát triển của con người Việt Nam, trong đó có những người tập kết và học sinh miền Nam. Bảo tàng sẽ trưng bày một cách hệ thống những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được các cá nhân, tổ chức lưu giữ từ năm 1954 đến năm 1975 nhằm giúp người tham quan khi đến Khu Du lịch Văn hóa Sầm Sơn - Thanh Hóa hiểu rõ và cảm nhận đầy đủ nhất về sự kiện tập kết, về cuộc chuyển quân chiến lược toàn diện lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, về những giá trị nhân văn gắn liền với sự kiện tập kết - con người tập kết.
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Bạc Liêu - địa phương có người từng tập kết ra Bắc từ năm 1954 đến năm 1975 phối hợp sưu tập, đóng góp tư liệu, tài liệu và các kỷ vật có liên quan đến cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, con em miền Nam tập kết ra Bắc cho Bảo tàng tập kết tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, xây dựng “Bảo tàng tập kết” có ý nghĩa rất quan trọng ghi nhớ giai đoạn lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban phụ trách Đề án xây dựng “Bảo tàng Tập kết”, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng thu thập tư liệu, tài liệu và các kỷ vật liên quan. Tỉnh Bạc Liêu cam kết sẽ tiếp tục sưu tầm những tài liệu, tư liệu quý liên quan đến cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và con em miền Nam tập kết trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng thành công “Bảo tàng Tập Kết” tại Khu du lịch Văn hóa Sầm Sơn.
Nhân dịp này, Đoàn công tác của Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương đã đến viếng Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi; tặng 100 phần quà cho người dân nghèo huyện Vĩnh Lợi, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng; tặng 100 chiếc xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 2,7 triệu đồng/chiếc; tặng tỉnh 200 tấn xi măng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Báo Người Lao động tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc, trong đó có một lá cờ Tổ quốc của Chủ tịch nước trao cho ngư dân Bạc Liêu vươn khơi bám biển.