Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 4 tháng đầu năm, địa phương khẩn trương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển khá, sản lượng lúa tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng hơn 6%; chỉ số phát triển công nghiệp tăng hơn 5%; hoạt động thương mại, dịch vụ tăng 16%.
Đối với công tác đầu tư xây dựng, nhất là các dự án trọng điểm do Trung ương quản lý như: Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao 7,5/7,7 km đạt 97,4%. Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam Sông Hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh, đoạn nhánh kết nối đường Nam Sông Hậu theo văn bản số 4156/UBND-KT ngày 9/11/2022.
Đối với các dự án trọng điểm do địa phương quản lý gồm: Dự án đầu tư tuyến đường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuyến đường ĐT 980 (Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền) nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Phó Sinh - Cạnh Đền; dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyển đường Ninh Quới - Ngan Dừa huyện Hồng Dân; dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long đến Ba Đình, huyện Hồng Dân đang được địa phương tích cực triển khai thực hiện.
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực giao thông, đất đai, xuất khẩu lao động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cụ thể, với dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sớm xem xét điều chỉnh tổng chi phí giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh (trong tổng mức đầu tư), ghi bổ sung vốn năm 2023 là 41,8 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận đầu tư đoạn đường cao tốc Hậu Giang - Bạc Liêu thuộc tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu theo Công văn số 533/UBND-KT ngày 24/2/2023 của UBND tỉnh “về đề xuất Phương án đầu tư đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đoạn từ nút giao IC7 đến đê biển Bạc Liêu”. Bộ Giao thông vận tải xem xét nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, có điểm cuối là đê Biển Đông cho phù hợp quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kết nối với đường ven biển quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho mời gọi đầu tư phát triển cảng biển nước sâu ngoài khơi tỉnh Bạc Liêu.
Tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn xác định cơ chế sử dụng đất đối với Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để Bạc Liêu triển khai kêu gọi đầu tư, hoàn thành thủ tục về đất đai đối với các nhà đầu tư theo đúng quy định. Bạc Liêu kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét quy định cụ thể giữa trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND cấp tỉnh tại điểm a, khoản 1, Điều 30 và điểm đ, khoản 5, Điều 30 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ tránh trùng lắp trách nhiệm giữa 2 đơn vị thực hiện.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thông tin, việc sản xuất kinh doanh của tỉnh thời gian qua liên tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu; doanh nghiệp xuất khẩu bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; giá đầu vào cho sản xuất liên tục tăng cao trong khi sản phẩm đầu ra giá luôn bấp bênh.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bạc Liêu là tỉnh vùng trũng về giao thông, không cảng biển, không cảng hàng không, không có cao tốc trong khi Quốc lộ 1A nhỏ hẹp, do đó rất cần được Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông cho địa phương như mở rộng Quốc lộ 1A, xây dựng tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu sớm hơn, sớm cấp phát nguồn vốn vay xây dựng tuyến đường ven biển...
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bạc Liêu đã trao đổi, làm rõ vấn đề nhằm giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững thời gian tới.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Trưởng đoàn Đoàn công tác đánh giá cao kết quả điều hành của tỉnh Bạc Liêu, nổi bật là tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân khu vực và cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, những thách thức đang đặt ra đối với Bạc Liêu rất lớn, nhất là biến đổi khí hậu. Vì thế, tỉnh cần quan tâm triển khai giải pháp thích ứng đảm bảo phát triển bền vững từ đầu tư hạ tầng, lai tạo cây, con giống, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, Bạc Liêu cần dự báo sát tình hình, vận dụng điều kiện riêng để phát triển. Tỉnh cần thành lập các Tổ công tác đặc biệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư trang thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục... Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo đời sống cho người nghèo, người có công với cách mạng.
Với những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có hướng giải quyết thời gian tới.