Các đại biểu tham dự Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC 2017. Ảnh: TTXVN |
Đây là một hoạt động có ý nghĩa bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng giáo dục đại học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn có sự tham dự của ngài Christopher Tremewan, Tổng Thư ký Hiệp hội các đại học vành đai Thái Bình Dương; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Ngọc Phúc; 60 đại biểu đến từ các đại học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực.
Diễn đàn không chỉ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đa phương giữa các đại học nói riêng, củng cố quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nói chung mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng và thúc đẩy mối liên kết chính phủ - đại học - doanh nghiệp, qua đó đưa cộng đồng giáo dục đại học trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và toàn thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Được tổ chức ngay trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 như một sự kiện bên lề gắn với CEO Summit, Diễn đàn không chỉ là cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong kỷ nguyên mới - Thời đại số hóa - Internet vạn vật, mà còn góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương giữa các đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực cũng như mối liên kết đại học - doanh nghiệp và rộng lớn hơn là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia.
Nằm trong khu vực kinh tế năng động với 2,8 tỷ người, chiếm 39% dân số thế giới với tổng GDP chiếm 57% toàn cầu và 47% thương mại thế giới, các đại học APEC với tri thức và sáng tạo có vai trò không nhỏ trong việc dẫn dắt và tạo giá trị gia tăng cho xã hội nhờ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trước những thách thức của kỷ nguyên mới, các đại học đều phải đối diện với yêu cầu gắt gao đối với đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp mới. Để khẳng định được sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực và sáng tạo tri thức mới của các đại học, việc đổi mới, triển khai những triết lý giáo dục mới cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn trở thành nhu cầu tất yếu.
Việt Nam đang tiến hành đổi mới toàn diện nền kinh tế, kiến tạo đường hướng phát triển đất nước, đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Diễn đàn này là dịp tốt để các trường đại học Việt Nam học hỏi và đổi mới phát triển. Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn hợp tác sâu sắc, toàn diện và bền vững với các đại học khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tin tưởng rằng, sự cộng hưởng sức mạnh của tri thức và sáng tạo của các đại học sẽ tạo xung lực mới cho hợp tác APEC và trở thành một trụ cột quan trọng bên cạnh hợp tác kinh tế, chính trị, thương mại.
Lấy chủ đề cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với 2 phiên thảo luận về "Phát triển bền vững, dữ liệu lớn và các thách thức trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương" và "Vấn đề việc làm trong kỷ nguyên kinh tế số và trí tuệ nhân tạo", Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC 2017 tạo cơ hội cho lãnh đạo các đại học, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách từ các nền kinh tế thành viên APEC gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong bối cảnh giáo dục đại học khu vực và thế giới đang đứng trước đòi hỏi phải đối mới để thích ứng với sự bất định của thế giới và những thay đổi nhanh chóng do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Phiên thảo luận về "Phát triển bền vững, dữ liệu lớn và các thách thức trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương" đã tạo cơ hội cho lãnh đạo các đại học và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề nhưu: Việc thúc đẩy quan hệ đối tác có thể giúp tạo ra các giải pháp sáng tạo, bền vững để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro từ thảm họa thiên nhiên, mất cân bằng xã hội, già hóa dân số và các vấn đề khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Đâu là cấu trúc quản trị và cơ chế chính sách phù hợp giúp đảm bảo để các chính phủ và hệ thống giáo dục có thể bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giới học thuật và khu vực tư nhân có thể thúc đẩy hợp tác thế nào để có thể cùng nhau giải quyết các thách thức trong khu vực và dẫn dắt quá trính sáng tạo nhằm mang lại các lợi ích xã hội và môi trường tốt nhất cho nhân loại...
Tại phiên thảo luận về "Vấn đề việc làm trong kỷ nguyên kinh tế số và trí tuệ nhân tạo", lãnh đạo các đại học và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề: Cách tiếp cận với sự phát triển của lực lượng lao động có khả năng phân tích khoa học dữ liệu trong khu vực APEC nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Các thách thức mà giáo dục đại học phải đối mặt trong quá trình trang bị các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để trở thành nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cách tiếp cận của khu vực tư nhân đối với sự thiếu hụt nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Mối quan hệ hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp có thể giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực như thế nào; Cần có những giải pháp, chiến lược gì để rút ngắn khoảng cách giữa đại học và doanh nghiệp...