Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, phối hợp với Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) chủ trì tổ chức.
Hội thảo đã đạt được mục tiêu thảo luận chuyên sâu về một trong những ưu tiên của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đồng thời trao đổi xây dựng kế hoạch triển khai cho cả tiến trình Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017.
Hội thảo đã được nghe và thảo luận 16 bài tham luận từ đại diện các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế...).
Thông qua hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu sau một năm thực hiện, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.
Hội thảo thống nhất: Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai là thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra đang có xu hướng gia tăng trên thế giới và khu vực. Cùng với đó, sáng kiến tài chính cho rủi ro thiên tai được xây dựng dựa trên yêu cầu và sự cần thiết phải có được các chiến lược và chính sách tài chính phù hợp, tạo vị thế chủ động và vững vàng trong việc ứng phó với thiên tai.
Trong số các giải pháp tài chính ứng phó với thiên tai, bảo hiểm là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách Nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai. Để phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai, các nền kinh tế cần tăng cường cơ sở hạ tầng, giám sát thị trường bảo hiểm thông qua xây dựng một mô hình rủi ro thiên tai đánh giá được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất từ thiên tai; chuẩn hóa biểu mẫu cơ sở dữ liệu đơn bảo hiểm và tổn thất phát sinh.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thảo luận, làm rõ kinh nghiệm xây dựng chiến lược tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai ở cấp độ quốc gia cũng như cấp độ địa phương ở một số thành phố (như Đà Nẵng, Việt Nam). Theo đó, để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện.
Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện sáng kiến, các chuyên gia và đại diện các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cũng chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Theo đó, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý tài sản công và xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Cuối cùng, Hội thảo đã bàn về định hướng và các hoạt động ưu tiên nhằm triển khai Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017. Trong đó, tập trung vào các trọng tâm: Xây dựng chiến lược hoặc khung chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai cấp quốc gia và cấp địa phương; xây dựng chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công; xây dựng chính sách phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai; phát triển các công cụ phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai.
Các đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện Sáng kiến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai cần được thực hiện thông qua các hội thảo, hội nghị trong tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017; thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia giữa các nền kinh tế thành viên và các hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.