Những ngày qua, số lượng người dân An Giang sống, lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về quê là hơn 27.000 người. Nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, UBND tỉnh An Giang đồng ý cho các trường hợp áp dụng cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà gồm những người đã được tiêm 1 mũi, 2 mũi vaccine phòng COVID-19, F0 đã khỏi bệnh, người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, các trường hợp là F1 và F0 không triệu chứng. Đối với người được cho về tự cách ly theo dõi tại nhà, địa phương sẽ gắn biển cảnh báo, có sự giám sát của chính quyền...
UBND tỉnh An Giang quy định: các trường hợp F0 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR) được cho cách ly tại nhà phải không có triệu chứng lâm sàng, không có các bệnh nền, đồng thời có khả năng chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh… Riêng F1 và người dân về từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận được áp dụng cách ly tại nhà phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đúng quy định của Bộ Y tế như: có phòng riêng tách biệt, nhà không quá đông người, không có người lớn tuổi, người bệnh nền... Đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện cách ly, điều trị tại nhà, tỉnh bố trí cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, các trường hợp cách ly, điều trị tại nhà phải có cam kết thực hiện đúng các quy định cách ly, điều trị theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Người thân trong gia đình cam kết có khả năng theo dõi, hỗ trợ người được cách ly điều trị tại nhà trong suốt thời gian cách ly điều trị, kịp thời khai báo khi có các triệu chứng bệnh ho, sốt… Người cách ly, điều trị tại nhà thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm, tiến triển nặng và tử vong.
Theo ông Bình, thời gian người dân thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương từ huyện, xã, khóm, ấp, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tại nơi cư trú có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phòng ở, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt của bệnh nhân, người thân, đảm bảo các quy định, tránh lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội như phụ nữ, đoàn thanh niên... vận động xã hội hóa, kịp thời chăm lo, hỗ trợ người dân về quê vượt qua khó khăn trước mắt; sàng lọc thống kê các trường hợp người dân mới về, trường hợp nào đã được tiêm 1 mũi vaccine để có kế hoạch tiêm mũi 2, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, tính đến sáng 4/10, tỉnh đã tiếp nhận gần 28.000 người, các địa phương trong tỉnh đã đón về trên 15.000 người. Qua báo cáo của 7/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong số người đã tiếp nhận về các địa phương đã ghi nhận 80 trường hợp có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 và 50 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.