Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tính đến 16 giờ ngày 1/10, toàn tỉnh ghi nhận 5.269 trường hợp mắc COVID-19. Riêng trong ngày 1/10, toàn tỉnh có 142 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 37 trường hợp được ghi nhận trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 ở một số địa phương trong tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các khu cách ly tập trung của tỉnh đã “lấp đầy”, do đó không thể tiếp nhận người dân An Giang đang lao động, làm việc, học tập từ các tỉnh, thành phố khác trở về quê trong thời gian này.
Tuy nhiên, trước tình huống có một lượng người An Giang từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… tự ý di chuyển và đã về đến “cửa ngõ”, tỉnh chỉ tiếp nhận số người này trong đêm 1/10 và sẽ không tiếp nhận thêm trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân, nhất là những người đang làm ăn xa quê.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao nhất, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến rất phức tạp; số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, các khu cách ly tập trung của tỉnh đang trong tình trạng quá tải… Do đó, An Giang vẫn giữ nguyên quan điểm tập trung khống chế các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, không tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển tự do về địa phương. Riêng đối với những trường hợp người dân di chuyển tự phát đã về đến “cửa ngõ” của tỉnh trong ngày 1/10, An Giang sẽ tiếp nhận, thực hiện test nhanh, phân loại để đưa đi cách ly theo quy định và người dân phải tự chi trả chi phí.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang lưu ý việc tiếp nhận người dân di chuyển tự phát đã về đến “cửa ngõ” của tỉnh trong đêm 1/10 phải sàng lọc, phân loại thật kỹ từng đối tượng (người đã tiêm 1 mũi vaccine, 2 mũi vaccine và người có nhu cầu được cách ly tại các nhà nghỉ, khách sạn…) để bố trí cách ly hợp lý. Ngành Y tế phải chuẩn bị đủ nhân lực, máy móc, thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế để thực hiện phân loại, sàng lọc. Công an tỉnh và các địa phương bố trí lực lượng chốt chặn, có phương án quản lý chặt chẽ đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các điểm tập trung người dân và điểm cách ly tập trung, tuyệt đối không để người dân tự điều khiển xe máy di chuyển về các địa phương trong tỉnh…
Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bố trí, sắp xếp và tiếp nhận người của địa phương mình, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; đồng thời, hỗ trợ kịp thời các vấn đề về an sinh xã hội cho người dân ở mức tốt nhất.
“Nếu đã đón người dân về, chúng ta phải lo được cho dân, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an sinh xã hội cho người dân. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, An Giang chưa sẵn sàng tiếp nhận người dân đi làm ăn xa trở về quê. Tỉnh cũng đã có kế hoạch đón khi chuẩn bị đủ các điều kiện, theo các đối tượng ưu tiên nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh có công văn hỏa tốc trong đêm 1/10 gửi các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quan điểm cũng như những khó khăn hiện nay của An Giang; yêu cầu các tỉnh, thành phố trong "khu vực" như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… thực hiện nghiêm Công điện 1265/CĐ-TTg ngày 30/9/2021 của của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.