Bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh tăng kỷ lục
Ngày 1/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.957 ca nhiễm mới, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 6.941 ca ghi nhận trong nước (giảm 996 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố (3.897 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (giảm 702 ca), Bình Dương (giảm 316 ca), An Giang (giảm 56 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (tăng 109 ca), Bình Thuận (tăng 23 ca), Tiền Giang (tăng 22 ca). Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát đến nay, Việt Nam có 797.712 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.104 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 793.149 ca, trong đó có 657.902 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định.
Hà Nam truy vết lấy mẫu tại các ổ dịch mới
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, chiều 1/10, tỉnh ghi nhận thêm 21 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, kể từ ca bệnh 687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, tính đến 18 giờ ngày 1/10, Hà Nam ghi nhận 356 ca mắc COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Y tế Hà Nam đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai tiêm, theo dõi sức khỏe những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tính đến 14 giờ ngày 1/10, toàn tỉnh đã có 340.539 lượt người được tiêm. Trong đó, 301.471 người được tiêm mũi 1; 39.068 người đã tiêm mũi 2. Những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hầu hết là lực lượng tuyến đầu chống dịch, các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người dân sinh sống tại các vùng có dịch, vùng nguy cơ cao…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã chủ động phối hợp truy vết, điều tra, lấy mẫu tại các ổ dịch mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh; tập trung toàn lực xét nghiệm diện rộng để nhanh chóng tìm ra F0, đưa đi điều trị kịp thời. Đồng thời, các lực lượng chức năng tiếp tục giám sát, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn cách ly theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi, người về từ các địa phương đang có dịch, đặc biệt là về từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; tiếp tục theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho các công dân đang cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung.
Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát liên ngành để phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam tiếp tục thu dung, cách ly, quản lý điều trị các ca dương tính với SARS-CoV-2; duy trì triển khai các hoạt động tiếp nhận, theo dõi sức khỏe các công dân (trường hợp được xác định là F1); các chuyên gia và thân nhân chuyên gia nhập cảnh, công dân Việt Nam về nước đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh theo quy định.
TP Hồ Chí Minh sớm từng bước hồi phục, phát triển kinh tế
UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ thị 18 tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại, trong đó lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 mục được hoạt động. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.
Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh đã đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất, tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố. Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Đối với người dân được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong thành phố, không được đi lại liên tỉnh. Khi tham gia lưu thông, người dân sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y Tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID hoạt động). Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày.
Ngành công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát chính và 39 chốt kiểm soát phụ tại cửa ngõ giáp ranh. Thành phố sẽ thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm giao thông sau nới lỏng giãn cách
Bộ Công an vừa chỉ đạo các đơn vị đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế khi nới lỏng giãn cách xã hội. Dự báo trong thời gian tới, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều địa phương tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tình hình TTATGT sẽ phức tạp, vi phạm gia tăng, các phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại, nhu cầu người dân từ các địa phương nới lỏng giãn cách để trở về quê là rất lớn.
Trước thực tế đó, lực lượng Công an, trọng tâm là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) được tăng cường trên toàn quốc, chủ động các phương án chống đua xe trái phép, bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch COVID-19 sau thời điểm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Chủ động nắm tình hình để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng. Từ đó kịp thời phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng vi phạm, xử lý ngay từ đầu khi các đối tượng “manh nha” có biểu hiện tụ tập, gây rối trật tự công cộng, tổ chức, cổ vũ đua xe trái phép. Đưa ra truy tố, xét xử ngay tại địa bàn xảy ra các vụ việc điển hình nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Bộ Công an cũng chỉ đạo lực lượng CSGT đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông. Đối với tuyến đường bộ, Bộ Công an yêu cầu các đơn vị chốt trực tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn, ma túy; tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như: Không đội mũ bảo hiểm, tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định; chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ…
Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lợi dụng việc cấp giấy nhận diện có mã QR Code cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu để vi phạm pháp luật, như: Vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại; chở người từ vùng dịch đến các địa phương khác không đúng quy định; chở người nhập cảnh trái phép; làm giả hoặc sử dụng mã QR Code của xe khác, tẩy xóa thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19...; thông tin cho các địa phương lân cận về các phương tiện chở người từ vùng dịch về quê để có biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch.