Một phần vì địa bàn châu Âu rộng lớn, lại chênh lệch múi giờ với Việt Nam, phần khác vì môi trường tác nghiệp ở châu Âu khá khác biệt so với hoạt động báo chí trong nước. Những chia sẻ của các phóng viên Diễm Quỳnh (CQTT London), Duy Trinh (CQTT Moskva) và Linh Hương (CQTT Paris) dưới đây chỉ là ba câu chuyện trong rất nhiều những chuyến tác nghiệp của phóng viên TTXVN khắp các nẻo đường châu Âu, để rồi những dòng tin, bức ảnh hay phóng sự truyền hình từ 8 “địa chỉ đỏ” của TTXVN ở châu Âu: Moskva, Berlin, London, Paris, Brussels, Geneva, Rome và Praha, liên tục được truyền về.
Ký ức đưa tin vụ 39 nạn nhân tử vong tại Anh
Vụ 39 người nhập cư trái phép vào Anh được phát hiện đã tử vong trong một xe tải đông lạnh tại Grays, thuộc hạt Essex, Đông Bắc thành phố London rạng sáng 23/10/2019 đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của báo chí Anh, Việt Nam và quốc tế trong hơn một tháng kể từ khi xảy ra sự việc cho đến khi kết thúc điều tra và trao trả di hài nạn nhân về Việt Nam.
Hiểu rõ đây là lúc tinh thần và trách nhiệm của phóng viên thường trú TTXVN phải được phát huy tối đa, CQTT London ngay lập tức thiết lập kênh liên lạc, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Bộ Công an Việt Nam, cảnh sát Anh tại hạt Essex và Hội người Việt Nam tại Anh để nắm bắt diễn biến tình hình, đồng thời gửi báo cáo nhanh về cho lãnh đạo TTXVN để được sự hỗ trợ, chỉ đạo ngay từ những ngày đầu.
Nhờ bám sát kịp thời diễn biến sự việc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, CQTT London nhanh chóng có được thông tin nhiều khả năng trong số 39 nạn nhân có người Việt Nam. TTXVN là cơ quan báo chí Việt Nam đầu tiên đưa tin vụ 39 nạn nhân tử vong không phải là người Trung Quốc như tuyên bố của cảnh sát Essex trước đó. Tiếp đó, CQTT London đã chủ động đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An trả lời phỏng vấn TTXVN để thể hiện quan điểm của Việt Nam ngay sau khi cảnh sát Essex bước đầu công bố kết quả điều tra "họ tin rằng nạn nhân là người Việt Nam".
Việc làm sao để nắm được thông tin khi nào cảnh sát Essex sẽ họp báo hay ra thông báo liên quan đến vụ việc là một thách thức đối với CQTT, vì trụ sở cảnh sát Essex cách London khoảng hơn 2 giờ lái xe, nếu biết thông tin họp báo muộn sẽ không kịp đến dự. Lúc này, tất cả anh em phóng viên đều vận dụng hết các mối quan hệ để “nghe ngóng” thông tin, kiểm tra chéo các nguồn tin nhằm đưa ra các kế hoạch thông tin kịp thời, tránh không để bị chậm so với các công bố của cảnh sát Essex.
Khi biết dự kiến cảnh sát hạt Essex sẽ công bố kết quả điều tra xác minh danh tính 39 nạn nhân, nhóm 3 phóng viên CQTT quyết định đi đến trụ sở cảnh sát Essex để trực tin, và phát tin ghi hình tại chỗ. Và ngay tại hiện trường, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng tới từng chi tiết, tất cả đã sẵn sàng, người đọc tin âm thanh thu ngay trên xe ô tô, người quay phim, dẫn hiện trường…. Tin của phóng viên CQTT được phát về nhà luôn sau khi cảnh sát Essex công bố vài phút, đồng thời cho cả bản tin thế giới lẫn Truyền hình thông tấn Vnews. Sau này, tôi được biết chương trình breaking news hôm đó trên Vnews là phát sớm nhất trong các kênh truyền hình trong nước, và tin văn bản của Ban biên tập tin Thế giới TTXVN cũng đã phát rất nhanh.
Trong quá trình tác nghiệp, rất nhiều lúc chúng tôi phải kìm nén cảm xúc khi tận mắt chứng kiến các nạn nhân, nghe kể lại nhiều câu chuyện đằng sau cuộc hành trình, hay đọc những dòng chia buồn mà Thủ tướng Anh Boris Johnson, người dân địa phương và bà con viết lại trong số tang. Hình ảnh trời cuối chiều mùa đông u ám, những ngọn nến xắp thành hình trái tim lấp lánh ảnh lửa và mùi nhang thoang thoảng bên lề đường nơi phát hiện ra các nạn nhân đã tử vong là ký ức buồn nhất trong những tháng năm làm phóng viên thường trú TTXVN tại Anh của chúng tôi.
Những chuyến công tác marathon
Có lẽ trong số 30 CQTT của TTXVN ở nước ngoài, ít có CQTT nào có nhiều chuyến công tác marathon như CQTT Moskva. Điều này cũng dễ hiểu vì LB Nga là địa bàn rộng nhất trong số địa bàn các CQTT của TTXVN. Ngoài ra, CQTT Moskva còn bao quát sự kiện tại những nước thuộc Liên Xô trước đây. Với địa bàn rộng, đa dạng, nhiều chất liệu như vậy nên việc các phóng viên CQTT Moskva phải thay phiên nhau đi công tác xa và dài ngày là điều dễ hiểu.
Đơn cử như thời điểm tôi sang nhận công tác nhiệm kỳ hai vào những ngày cuối cùng của tháng 8/2019, thì đến giữa tháng 9, tôi được cử sang Kazakhstan và ngay sau đó lại bay về St. Petersburg (LB Nga) để đưa tin hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu.
Hay như khi vừa đưa tin cuộc họp báo lớn thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 19/12/2019, thì một ngày sau, tôi đã “khăn gói” đi Voronezh để kịp viết bài về những người lính phục viên Việt Nam sang Liên Xô xuất khẩu lao động từ những năm 1980 thế kỷ trước, nay đang làm ăn sinh sống tại vùng đất này, cho kịp dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019). Ngay sau khi hoàn thành việc phỏng vấn, ghi hình ở Voronezh, phóng viên lại bay đến St. Petersburg để kịp phỏng vấn chuyên gia về vấn đề Biển Đông, rồi đưa tin Hội người Việt và các cựu chiến binh Liên Xô từng phục vụ ở Việt Nam kỷ niệm ngày thành lập quân đội. Chưa hết, sau khi từ St. Petersburg về Moskva vào sáng 23/12/2019, phóng viên lại tất bật “phi” ô tô từ thủ đô xuống Kaluga để đưa tin về hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam với tỉnh Kaluga do Hội Hữu nghị Nga - Việt phối hợp tổ chức.
Một chuyến đi làm việc marathon đáng nhớ nữa là chuyến công tác 2 thành phố Yekaterinburg và Ufa ở vùng Urals nước Nga. Mục tiêu của chuyến đi là thu thập tư liệu làm phóng sự hình và bài viết nhân dịp Tết, song do một tình huống bất ngờ khiến chúng tôi phải “miệt mài lao động”.
Đến Yekaterinburg, chúng tôi di chuyển đến Bảo tàng vũ khí để làm bài giới thiệu về bảo tàng độc đáo này. Qua trao đổi với các phụ huynh người Việt, chúng tôi được biết ở đây có một cô giao Nga chuyên dạy các học sinh Việt Nam tiếng Nga, được các cháu xem như mẹ của mình. Ngay sau Bảo tàng vũ khí, chúng tôi di chuyển đển nhà cô giáo Natalia.
Bất ngờ là ngay chiều hôm đó - 15/1/2020, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và nội các đồng loạt từ chức. Thế là từ tối hôm đó đến ngày hôm sau, chúng tôi tất bật đưa tin, dẫn hiện trường về sự kiện này. Đến khi xong tuyến tin Thủ tướng Medvedev thì cũng là lúc phải lên máy bay di chuyển tới Ufa. Ở Ufa trong 2 ngày, chúng tôi cũng kịp đưa tin và làm phóng sự hình về sự kiện cộng đồng người Việt tổ chức ăn Tết Nguyên đán.
Mới đây, tinh thần marathon tiếp tục thấm đẫm trong chuyến đi đưa tin đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam dự Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army 2020 và Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2020 ở ngoại ô Moskva. Các sự kiện này diễn ra trên khu tổ hợp công viên quân sự, thao trường, sân bay rộng lớn, vì thế suốt 3 ngày đầu, với đầy đủ trang thiết bị để làm các loại hình thông tin, chúng tôi “cuốc bộ” đến mức chân rã rời sau mỗi chiều. Sang ngày thứ tư, hai phóng viên chúng tôi còn di chuyển xa hơn, đến thao trường Asuluk cách Moskva 3 giờ bay để dự khán quân đội Nga thử các loại tên lửa phòng không, kể cả S-400. Tiếp đó cho đến khi kết thúc hội thao, nhóm phóng viên chúng tôi liên tục lăn lộn trên thao trường, với tinh thần “đi bộ là vinh quang”. Song, bù đắp cho sự vất vả ấy, chúng tôi được chứng kiến một thời khắc quan trọng, khi đội tuyển xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất sắc giành huy chương Vàng tại bảng 2 cuộc thi “Xe tăng hành tiến” thú vị nhất của hội thao.
Không ngủ cùng Paris ăn mừng chiến thắng
Mọi con đường đều dẫn đến... đại lộ Champs Elysées! Câu nói vui này đã trở thành hiện thực vào tối 15/7/2018, sau khi tiếng còi chung cuộc trận chung kết World Cup 2018 giữa Pháp và Croatia cất lên. Nhóm phóng viên CQTT TTXVN tại thủ đô Paris (Pháp) cũng tham gia vào dòng người dường như bất tận đó. Với những thiết bị tác nghiệp nhỏ gọn, chúng tôi sẵn sàng ghi lại những hình ảnh mà không phải phóng viên thường trú nào cũng có cơ hội chứng kiến và phản ánh như vậy.
Hàng trăm nghìn người đã đổ về đại lộ Champs Elysées để ăn mừng chiến thắng lịch sử của đội bóng áo xanh sau 20 năm chờ đợi. Các con đường xung quanh đại lộ Champs Elysées đông nghẹt người và xe. Tiếng reo hò, tiếng hát, tiếng kèn vang khắp thành phố. Tất cả vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
Thắng lợi giòn giã của đội tuyển bóng đá quốc gia đã làm cho người dân Pháp, vốn thường ngày rất ngại ống kính phóng viên, thay đổi hoàn toàn. Nhóm phóng viên chúng tôi chỉ cần chìa micro ra là mọi người tranh nhau nói. Thậm chí có những thanh niên hơi quá khích giằng lấy micro để hét lên, làm chúng tôi rất vất vả để bảo toàn các thiết bị. Ai cũng muốn bày tỏ niềm vui sướng của mình, sẵn sàng nhảy nhót và hát không ngừng nghỉ bài «On est les champions» (Chúng ta là những nhà vô địch). Có những người được phỏng vấn, sau khi biết chúng tôi là các phóng viên Việt Nam, đã nói lời cảm ơn tới những người hâm mộ Việt Nam ủng hộ đội tuyển Pháp.
Có một điều khiến chúng tôi rất thán phục, đó là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân Pháp. Cho dù nóng lòng muốn tới được đại lộ Champs Elysées đến mấy, các xe ô tô chở đầy người hâm mộ đều dừng lại khi có đèn đỏ. Và nhóm thanh niên tụ tập trên vỉa hè lại tràn xuống phần đường dành cho người đi bộ, nhưng không phải để qua đường mà chỉ để đứng trước hàng xe đang dừng đèn đỏ mà hát hò và vẫy cờ hô vang «Vive la France ! On est les champions» (Nước Pháp muôn năm! Chúng ta là nhà vô địch). Khi đèn xanh bật trở lại, họ quay lại vỉa hè để dòng xe lưu thông và tiếp tục chờ đợi lượt đèn đỏ mới… Tất cả những ấn tượng ấy, đã được nhóm phóng viên chúng tôi phản ánh kịp thời, sống động ngay trong tối bế mạc World Cup 2018 không thể nào quên.