Địa điểm tại Thanh Hóa được lựa chọn là Cửa Hới (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn). Người dân Thanh Hóa yêu thương, đùm bọc, chở che đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc như anh em ruột thịt.
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa về trách nhiệm và sự sẻ chia với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Xin ông cho biết, tỉnh đã huy động sức người, sức của như thế nào để đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc?
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vị trí chiến lược và truyền thống cách mạng, Thanh Hóa được Trung ương Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng với các địa phương: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Địa điểm tại Thanh Hóa được lựa chọn là Cửa Hới (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn).
Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là hậu phương lớn, đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến, lại bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề. Thời điểm năm 1954, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đang thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Tiến hành cải cách ruộng đất đợt 2; chống cưỡng ép đồng bào Công giáo di cư vào Nam, hơn nữa tình trạng thiếu đói diễn ra gay gắt...
Song với tình cảm ruột thịt Bắc Nam, Tỉnh ủy Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo thành lập ban đón tiếp của tỉnh do ông Đỗ Văn Kiệm - Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh làm Trưởng ban và bộ máy điều hành với hàng trăm cán bộ giúp việc. Đồng thời, nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết một cách an toàn, chu đáo nhất.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo công tác đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết sâu rộng trong toàn tỉnh, từ các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh xuống đến nhân dân từng thôn, xóm.
Các địa phương tập trung cao độ, chuẩn bị tổ chức đón tiếp chu đáo đồng bào miền Nam. Các ngả đường quê hương Thanh Hóa đổ về Sầm Sơn tấp nập đông vui, hối hả, khẩn trương. Hàng ngàn công nhân, nhân dân tự nguyện tham gia xây dựng các công trình đón tiếp đồng bào miền Nam. Hàng vạn cây nứa, cây luồng, cây gỗ, hàng vạn lá kè, hàng trăm tấn củi...từ miền núi Thanh Hóa đưa xuống kịp thời để làm nhà đón tiếp, nhà ở, nhà ăn, giường nằm... khang trang, sạch đẹp.
Để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết, ngay từ những ngày đầu, Trung ương đã giao cho Thanh Hóa xây dựng một bệnh viện tranh tre nứa lá quy mô 800 giường bệnh do Bộ Y tế quản lý, có sự hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ty Y tế Thanh Hóa đã thành lập ở Sầm Sơn một trạm cấp cứu, hai trạm khám sức khỏe ở hai xã Hoằng Lộc, Hoằng Quang (Hoằng Hóa). Bệnh xá ở Thiệu Đô (Thiệu Hóa) khám chữa bệnh cho các đồng chí, đồng bào miền Nam bị thực dân cầm tù, tra tấn ở nhà lao Chí Hòa và chữa bệnh cho các cháu thiếu nhi ra Bắc học tập.
Ngày 25/9/1954, bến Sầm Sơn Thanh Hóa (nay là cảng Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn) rực rỡ cờ hoa chào đón chiếc tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào giữa tiếng hoan hô vang dậy của đồng bào Thanh Hóa đón những người con miền Nam ruột thịt ra Bắc tập kết. Đưa một số lượng rất lớn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc tập kết là các chuyến tàu biển rất lớn của Liên Xô và Ba Lan. Các tàu này không cập được bến Sầm Sơn, phải đậu cách xa đất liền vài ki-lô-mét.
Vì vậy, địa phương phải huy động, sử dụng các loại tàu, thuyền nhỏ để đưa đồng bào vào bờ. Có những chuyến tàu mất hai ngày mới chở hết đồng bào vào đất liền. Trong 9 tháng, từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955, toàn tỉnh đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội, 1.775 thương binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ.
Sau khi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam lên bờ được Ban đón tiếp và nhân dân đưa vào các lán trại chuẩn bị sẵn để nghỉ ngơi, chăm sóc, nhiều khi lán trại không đủ, nhân dân Quảng Tiến đưa đồng bào về gia đình mình để chăm sóc. Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là nhân dân Sầm Sơn, mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Các cháu thanh, thiếu nhi được giao nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ hậu cần, tổ chức văn nghệ. Công tác y tế, giáo dục, an ninh được đảm bảo.
Nhân dân các huyện miền xuôi hăng hái ủng hộ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn. Các huyện Nông Cống, Đông Sơn ủng hộ 600 con bò, 700 con lợn, 15.000 con gà vịt, 12 vạn quả trứng; Nga Sơn, Quảng Xương cung cấp 8.384 đôi chiếu; Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định may 2.800 màn cá nhân, 1.000 màn đôi, 4.100 mền chăn và 1.450 cốt áo bông; Đông Sơn, Quảng Xương, thị xã Thanh Hóa cung cấp 49.000 bộ quần áo bà ba, 6.161 đôi dép cao su. Đồng bào các huyện trung du Thanh Hóa ủng hộ trên 1 vạn kg cà chua, 3 tấn cá và 415kg mộc nhĩ…
Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh ở lại Thanh Hóa được bố trí, sắp xếp việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài, đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa như thế nào thưa ông?
Sau công tác đón tiếp an toàn, chu đáo đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc được phân công tới các khắp các tỉnh của miền Bắc như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng... để lao động, học tập và công tác. Đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định bố trí, sắp xếp việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa lúc này.
Đối với 5.735 học sinh, sau khi chuyển đến các tỉnh, còn lại ở Thanh Hóa 2.631 em được chia về 12 trường trong 9 xã ở huyện Quảng Xương (cũ) như: Quảng Châu, Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng Tâm, Quảng Định, Quảng Cát, Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Lộc... Sau một thời gian học tập, đa số các em được chuyển ra các trường học sinh miền Nam ở Hà Nội, Hải Phòng, Quế Lâm (Trung Quốc) tiếp tục học tập.
Các cụ miền Nam được Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đón tiếp, nuôi dưỡng chu đáo. Tiêu biểu huyện Vĩnh Lộc được chọn làm nơi đón tiếp 225 cụ miền Nam thuộc tỉnh Bình Định ra tập kết; đối với các gia đình miền Nam, tính đến ngày 15/5/1955 ở Thanh Hóa có 90 gia đình, trong đó 29 gia đình bộ đội, 61 gia đình cán bộ và công nhân viên cơ quan xí nghiệp.
Một số gia đình được phân công về thị xã Thanh Hóa buôn bán, công tác ở các cơ quan của tỉnh và thị xã. Các gia đình làm nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng cơ sở đón tiếp về các xã: Yên Trường (Yên Định), Xuân Thành, Phú Yên (Thọ Xuân). Đối với 1.743 công nhân, tỉnh đưa về 5 công trường: Tĩnh Gia, Đông Quang, Tào Xuyên, Hoằng Lộc và Hà Trung làm nhiệm vụ sửa sang đường sá.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết xung phong, xung kích đi xây dựng các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh. Có 12 nông, lâm trường quốc doanh phần lớn là bộ đội chuyển ngành, cán bộ miền Nam tập kết.
Tiêu biểu: Vùng kinh tế Lam Sơn có 3 nông trường (Sông Âm, Lam Sơn, Thống Nhất); vùng kinh tế phía Bắc có 4 nông trường (Hà Trung, Vân Du, Thạch Thành, Thạch Quảng); vùng kinh tế phía Tây Nam có nông trường Yên Mỹ... Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở lại xây dựng các nông, lâm trường coi Thanh Hóa như quê hương thứ hai của mình, có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Thanh Hóa.
Sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là mốc lịch sử quan trọng, ý nghĩa đối với cả nước cũng như tỉnh Thanh Hóa. Phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất, anh dũng đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên như thế nào để xây dựng tỉnh phát triển năng động mạnh mẽ?
Thời gian đã lùi xa nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cách đây 70 năm mãi mãi là mốc son chói lọi, để lại nhiều bài học quý, sống động, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa luôn ghi nhớ, khắc sâu, phát huy và nâng lên tầm cao mới những bài học đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thanh Hóa năm xưa dẫu còn nhiều gian khó nhưng thắm đậm nghĩa tình đã chào đón, cưu mang những người con phương Nam ra tập kết. Ngày nay, vùng đất, con người xứ Thanh luôn tự tin, năng động, trưởng thành và hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tập trung triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn nên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ.
Có thể khẳng định, chưa bao giờ Thanh Hóa có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đó là cơ sở, điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước tiến lên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!