Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng ôn lại trang sử hào hùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng này đã giáng đòn quyết định buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ tháng 2 đến tháng 5/1954, Thái Bình đã bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người và hàng nghìn dân công; huy động hàng trăm phương tiện với hàng ngàn ngày công để gánh gạo, tải lương vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng nghìn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xung phong lên đường, trực tiếp tham gia chiến dịch.
Những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thái Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đã góp phần quan trọng, cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhiều người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã khắc vào lịch sử những dấu son chói lọi, tiêu biểu như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) dũng cảm dẫn đầu tổ xung kích bắt sống Tướng De Castries, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Thay mặt các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Phạm Đình Hãn (cựu chiến binh, chiến sỹ Điện Biên, trú tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) nhớ lại những ngày tháng gian khổ mà rất hào hùng, cùng đồng đội “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Năm 1953, ông cùng các đồng đội trong Tiểu đoàn 183, Trung đoàn 246 được phân công lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với một trung đoàn thuộc Đại đoàn 304 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ hành lang và vành đai chiến dịch, không cho quân Pháp xâm phạm hành lang quan trọng này. Tuy gian khổ, nhiều hy sinh song mỗi chiến sỹ Điện Biên đều tự hào khi được góp sức nhỏ mang lại chiến thắng lẫy lừng, lập lại hòa bình cho đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng nhấn mạnh, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh đã, đang và sẽ làm hết sức để tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã không tiếc máu xương hy sinh cho Tổ quốc, cho độc lập dân tộc. Phát huy tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công với cách mạng; tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ, tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn kết chặt chẽ đợt thi đua cao điểm chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, huy động nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công, gia đình người có công.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quà cho các chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.