7 ngày Tết, sản lượng vận tải hành khách giảm, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài

Trong 7 ngày nghỉ Tết, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông, đồng thời do hạn chế đi lại của người dân vì dịch COVID-19, nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nơi có mật độ lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng do người dân trở về sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đánh giá về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 7 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (giảm 8,08% số vụ, giảm 18,05% số người tử vong và giảm 29,31% số người bị thương), tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới xe khách giảm, ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển mô tô, xe máy, ô tô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều.

8 địa phương không xảy ra tai nạn giao thông

Theo báo cáo nhanh, trong 7 ngày Tết, đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, làm 10 người tử vong và 3 người bị thương.

Điển hình là vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai vào tối mùng 3 Tết làm 4 người tử vong và 1 người bị thương, nạn nhân đều là thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và qua khám nghiệm ban đầu cho thấy đều có nồng độ cồn trong cơ thể và không có bằng lái xe máy. Các nạn nhân tai nạn giao thông khi đi mô tô xe máy bị chấn thương sọ não nặng cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đa số đều không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ sai quy định.

Tính tới 15 giờ ngày 16/2, có 8 địa phương không xảy ra tai nạn giao thông trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2021 gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Sơn La, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Hải Phòng, Kon Tum.

Các địa phương có số người chết tăng cao là Quảng Bình 5 người chết (tăng 150%), Gia Lai 12 người chết (tăng 140%), Quảng Ngãi và Khánh Hòa tăng 100%. 

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương có Hải Phòng và Cần Thơ không xảy ra tai nạn giao thông. Hà Nội xảy ra 4 vụ, làm 5 người tử vong, 1 người bị thương, giảm 1 vụ, giảm 1 người tử vong, số người bị thương bằng cùng kỳ năm ngoái.

Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 5 vụ, 5 người tử vong, 1 người bị thương, giảm 3 vụ, giảm 3 người tử vong, số người bị thương bằng cùng kỳ năm ngoái. Đà Nẵng xảy ra 2 vụ, 1 người tử vong, 3 người bị thương, bằng số vụ, giảm 1 người tử vong, tăng 2 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

62 vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ

Phân tích nguyên nhân tai nạn của 46/179 vụ cho thấy, do lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn 3 vụ; vi phạm phần đường 17 vụ; không chú ý quan sát 13 vụ, chuyển hướng không đúng quy định 3 vụ, vượt xe không đúng quy định 1 vụ, không chấp hành quy định về tốc độ 4 vụ, do người đi bộ qua đường không đúng quy định 3 vụ, quy trình thao tác lái xe 1 vụ, còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân.

Tuyến đường xảy ra tai nạn, có 62 vụ xảy ra trên quốc lộ, chiếm 34,64% tổng số vụ; tỉnh lộ 39 vụ, chiếm 21,79%; huyện lộ 31 vụ, chiếm 17,32%; cao tốc 5 vụ, chiếm 2,79%; các tuyến khác 42 vụ chiếm 23,46%.

Thời gian xảy ra tai nạn, buổi sáng (từ 6h đến 12h) là 21 vụ; buổi chiều (từ 12h đến 18h) là 65 vụ; buổi tối đến sáng hôm sau (từ 18h đến 6h) là 93 vụ.

Sản lượng vận tải hành khách giảm mạnh

Chú thích ảnh
 Các nhà xe tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo quy định: sát khuẩn khi lên xe, đeo khẩu trang... (ảnh chụp ngày 7/2/2021, ngày 26 tháng chạp). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, nhu cầu đi lại của người dân trước Tết Nguyên đán Tân Sửu giảm nhiều so với năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giao thông nội thành các thành phố lớn, các khu di tích lịch sử, điểm du lịch tâm linh đền chùa lớn cơ bản thông thoáng.

Trong hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, các đơn vị vận tải đã chủ động phối hợp tổ chức bán vé và tổ chức vận tải hợp lý, kết hợp với việc phòng, chống dịch COVID- 19 trong hoạt động vận tải hành khách, trên tất cả các bến xe trong cả nước, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, không để tồn đọng khách trên bến hàng ngày. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động vận tải khách công cộng và taxi cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm phòng, chống dịch theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến đường sắt đều giảm sâu so với năm 2020. Từ ngày 9/2 đến ngày 13/2, số đoàn tàu khách thống nhất là 16 đoàn, đạt 84,21%; tàu địa phương là 30 đoàn, đạt 62,50% so với năm 2020. Tổng số khách đi tàu là 12.793 hành khách, chỉ đạt 33,56% so với năm 2020. Sản lượng hàng hóa bốc xếp là 6.035 tấn, đạt 65,56% với năm 2020.

Các Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn và các chi nhánh khai thác đường sắt đã huy động 100% quân số tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phòng ngừa cháy nổ, phòng, chống tội phạm tại các nhà ga, trên các đoàn tàu, không để xảy ra sự cố.

Tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 9,5 nghìn lần hạ, cất cánh, giảm 43,4%; xấp xỉ 815,6 nghìn hành khách giảm 66,6%; 14 nghìn tấn hàng hóa, tăng 3,3% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 408 nghìn khách, giảm 64,8% và 2.000 nghìn tấn hàng hóa, giảm 54,4% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020.

Phương tiện lưu thông trên tuyến đường thủy nội địa, tuyến luồng hàng hải thuận lợi, an toàn, thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại các cảng, bến được bố trí đủ nhân lực vật lực, đảm bảo giải phóng hàng nhanh chóng, không xảy ra ách tắc hàng hóa tại cảng, bến.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông; người dân được cung cấp thông tin đã chủ động chọn thời điểm đi lại, tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm, đồng thời trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và không tụ tập đông người nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước.

Tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng người dân đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu, bia - điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến.

Cao điểm 2 ngày trước Tết và sau Tết, các tuyến đường vành đai, đường trục chính ra vào thành phố Hà Nội (cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường vành đai 3, quốc lộ 32, quốc lộ 1...), Thành phố Hồ Chí Minh (quốc lộ 1 đi miền Đông và miền Tây, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 13, 14, 22, 51, các tuyến kết nối Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông, Miền Tây) xảy ra ùn tắc cục bộ. Lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông, vận tải trong các ngày sau Tết nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2021, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thành viên của Ủy ban, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Công điện 1711/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy và thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế). Đề nghị người dân, người tham gia giao thông phản ảnh kịp thời qua điện thoại đường dây nóng về tình hình ùn tắc giao thông, các nguy cơ gây tai nạn giao thông về hạ tầng, phương tiện, những hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch của người điều khiển phương tiện vận tải công cộng, đơn vị kinh doanh vận tải.

Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống dịch, nhất là hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ; xe ô tô kinh doanh vận tải chở quá tải trọng về hàng hóa, chở quá số người quy định, vận chuyển hàng cấm, nguy cơ cháy, nổ; chủ phương tiện, người điều khiển, nhân viên phục vụ trên phương tiện và người tham gia giao thông cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Huy động tối đa lực lượng điều tiết giao thông sau kỳ nghỉ Tết
Huy động tối đa lực lượng điều tiết giao thông sau kỳ nghỉ Tết

Chiều 16/2/2021 (mùng 5 Tết Tân Sửu 2021), tại Hà Nội, trên các tuyến đường vào Thủ đô Hà Nội có mật độ lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng do người dân trở về sau kỳ nghỉ Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN