Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đắk Lắk là một trong những chiến trường trọng điểm của Tây Nguyên đã giành được nhiều kết quả to lớn. Để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp giữa hai lực lượng và ba thứ quân trên chiến trường, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận mở hội nghị liên tịch với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk cùng bàn bạc cách phối hợp hoạt động giữa các đơn vị chủ lực và địa phương, giữa tiến công và nổi dậy. Mục tiêu chính xác định là thị xã Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum.
Cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân vào thị xã Buôn Ma Thuột bắt đầu vào lúc 0 giờ 45 phút ngày 30/1/1968. Trong lúc cuộc tấn công quân sự ở thị xã Buôn Ma Thuột diễn ra quyết liệt, ở một số đường phố trong thị xã, quần chúng đã xuống đường chiếm các trụ sở ở thôn, ấp, xé cờ, khẩu hiệu của địch, treo cờ cách mạng, rải truyền đơn, lùng bắt bọn ác ôn, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Ở nông thôn, quần chúng các huyện Buôn Hồ, Bắc Buôn Ma Thuột, huyện Lắk gồm trên 18.000 người với khí thế khởi nghĩa kéo về thị xã Buôn Ma Thuột…
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta như một một đòn sét đánh đối với đế quốc Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chỉ tính riêng trong đợt tiến công và nổi dậy đợt 1, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, bắt sống 85 tên, bắn cháy 13 xe M113, phá hủy 19 máy bay, 150 xe quân sự, 12 kho xăng, dầu, bom đạn, thu nhiều vũ khí đạn dược của địch… Ta đã đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã từ 3 đến 5 ngày. Ở nông thôn, ta đánh phá ấp chiến lược, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ trên 5.000 dân…
Cùng với thắng lợi liên tiếp trong Đông - Xuân 1965 - 1966 và 1966 - 1967, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đảng bộ, quân, dân Đắk Lắk đã góp phần cùng với quân và dân miền Nam đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc đến quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, bắt đầu rút quân Mỹ về nước, chấm dứt chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, cử người đàm phán với Chính phủ ta ở Hội nghị Pa-ri…
Hội thảo đã có 25 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo Quân khu V, Bí thư Tỉnh ủy của các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, các nhà nghiên cứu của Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học… Các tham luận đã đề cập về các chủ đề: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, công tác tuyên truyền công tác an ninh... trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk. Các báo cáo, tham luận đều đề cập toàn diện các vấn đề dưới góc nhìn khách quan, chân thực, chính xác, làm nổi bật tầm vóc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng như tại Đắk Lắk.
Thông qua hội thảo này, cùng với thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, các đại biểu đã tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này, đúc kết những bài học lịch sử quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.