Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: “Nắm bắt và chớp thời cơ chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” của Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị quân Giải phóng phá hủy (2/1968). Ảnh: Tư liệu TTXGP |
Thời cơ chiến lược là những điều kiện thuận lợi có thể phát huy sức mạnh
tổng hợp giành thắng lợi quyết định hoặc thắng lợi hoàn toàn. Thời cơ
chiến lược xuất hiện trong thời gian ngắn; do đó, việc nắm bắt chính xác
để hạ quyết tâm hành động kịp thời có vị trí, vai trò rất quan trọng,
thực sự là một “nghệ thuật” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến
tranh. Chủ trương, quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu
Thân 1968 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam là một trong những minh
chứng điển hình cho nghệ thuật ấy, thể hiện bản lĩnh và tầm cao trí tuệ
Việt Nam đã vượt lên trên mọi toan tính của các nhà hoạch định chính
sách phía Mỹ.
Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” phá sản, để cứu nguy cho chính quyền, quân đội Sài Gòn, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số quốc gia đồng minh cùng nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại vào tham chiến trực tiếp ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân qui mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam, chính thức chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Với tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, chính quyền Tổng thống Linđơn B. Giônxơn tin rằng Mỹ sẽ đè bẹp mọi sự kháng cự của cách mạng Việt Nam, sớm giành được thắng lợi, nhanh chóng rút quân viễn chinh và quân đồng minh ra khỏi Việt Nam.
Trước âm mưu và hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã kịp thời động viên nhân dân cả nước nêu cao ý chí, quyết tâm đánh bại chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng. Bên cạnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng miền Bắc, củng cố và phát huy thế trận chiến tranh nhân dân của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng cũng nêu vấn đề: “trên cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài, chúng ta cần phải cố gắng đến cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”.
Trải qua hơn 2 năm đọ sức quyết liệt, đến cuối năm 1967, cục diện chiến trường và tình hình quốc tế liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam chuyển biến hết sức mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng, thời cơ chiến lược xuất hiện.
Về phía Mỹ, dù đã nỗ lực leo thang lên đến đỉnh cao, song vẫn không đạt được những mục tiêu cơ bản đề ra, trái lại, phải chịu nhiều tổn thất to lớn. Trên chiến trường miền Nam, tuy nắm trong tay đội quân đông đảo hơn 1,2 triệu (trong đó quân viễn chinh, quân một số quốc gia đồng minh hơn nửa triệu), nhưng Mỹ vẫn không nắm được quyền chủ động chiến lược, không tiêu diệt được chủ lực Quân giải phóng, không “chụp bắt” được cơ quan chỉ đạo kháng chiến của ta. Chương trình “bình định” cũng chỉ đạt 13% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam được đánh giá đã thất bại. Chỉ tính trong năm 1967, gần 1.000 máy bay Mỹ bị bắn rơi, gần 70 tàu chiến bị bắn chìm và bắn cháy... Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đến thời điểm này trở thành một gánh nặng, tác động mạnh đến đời sống kinh tế, chính trị trong nước. Chiến phí không ngừng tăng lên dẫn đến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn (đạt mức kỉ lục 25,3 tỉ đôla trong năm tài khóa 1967 - 1968). Chương trình cải cách kinh tế - xã hội (còn gọi "chương trình xã hội vĩ đại") mà Tổng thống Giônxơn đề ra không thực hiện được, làm cho tình trạng nghèo đói, nạn phân biệt chủng tộc, bệnh tật, thất học... gia tăng nhanh.
Những tác động tiêu cực đó đã làm phong trào phản đối chiến tranh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ trong năm 1967 bùng lên mạnh mẽ. Ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ cũng có sự chia rẽ thành ba phái khác nhau: Một là phái “Bồ câu”, đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Rôbơt Mac Namara, chủ trương tìm cách giới hạn và giảm bớt qui mô cuộc chiến, tiến tới một giải pháp thương lượng hòa bình để chấm dứt chiến tranh. Hai là phái “Diều hâu”, đứng đầu là Tướng Êly Uylơ - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và Tướng Uyliam Oetmolen - Tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, chủ trương tiếp tục mở rộng qui mô cuộc chiến tranh, tìm thắng lợi bằng sức mạnh quân sự. Ba là phái “Trung dung” (còn gọi “Ôn hoà”), đứng đầu là Tổng thống Linđơn Giônxơn, chủ trương dung hoà giữa hai phái trên. Trên thực tế, Mỹ đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về chiến lược: muốn đẩy mạnh chiến tranh hơn nữa cũng không được (vì không tìm thấy đâu là giới hạn leo thang cho đến khi đạt được thắng lợi, dễ dẫn đến những hậu quả khó lường định), mà muốn tìm cách hạn chế cuộc chiến thì vô hình trung sẽ làm cho quân Mỹ trên chiến trường vốn đang gặp khó khăn lại càng khó khăn thêm. Mặt khác, đây cũng là thời điểm nhạy cảm chính trị, bởi nước Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra vào năm 1968. Chiến tranh Việt Nam vẫn là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Do đó, một thất bại lớn về quân sự (nếu diễn ra) ở chiến trường Việt Nam sẽ tác động rất mạnh đến tình hình chính trị trong nước, có thể làm xoay chuyển toàn bộ chính sách, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.
Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lịch sử. Ảnh: Tư liệu |
Về phía ta, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thời điểm này đã giành được những thắng lợi quan trọng, tạo đà cho khả năng chớp thời cơ “đánh lớn” giành thắng lợi quyết định. Trên chiến trường miền Nam, Quân giải phóng vẫn giữ quyền chủ động chiến lược, phát triển mạnh hơn trước với 220.000 bộ đội chủ lực và 57.000 quân địa phương, ngoài ra còn có hàng chục vạn dân quân du kích. Đặc biệt, các binh đoàn chủ lực vẫn đứng chân tại những địa bàn có vị trí chiến lược trải rộng từ Trị - Thiên, miền Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long, vừa có khả năng mở những chiến dịch tổng hợp ở vùng nông thôn, đồng bằng, đồng thời có thể cơ động tập trung lực lượng ngay tại vùng ngoại tuyến, sẵn sàng tiến công vào trung tâm các thành phố lớn do địch kiểm soát. Thế trận chiến tranh nhân dân phát triển lên mức cao, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Phong trào đấu tranh chính trị (nhất là ở đô thị) chuyển biến tích cực, lôi cuốn hàng triệu lượt quần chúng tham gia. Uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nâng cao không chỉ trong các tầng lớp nhân dân miền Nam mà còn được chính phủ và nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Vượt qua mọi sự đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ, quân dân miền Bắc vẫn ra sức đẩy mạnh sản xuất, phát huy vai trò hậu phương đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho kháng chiến. Chỉ tính trong năm 1967, miền Bắc đã đưa hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ lên đường vào Nam chiến đấu. Ngoại giao cách mạng đạt được nhiều thành tích to lớn, trực tiếp hỗ trợ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị trên chiến trường. Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam được chính phủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới đồng tình, ủng hộ, góp phần đẩy chính quyền Mỹ vào tình trạng bị cô lập trên trường quốc tế.
Bên cạnh những thuận lợi, tình hình thực tế lúc này cũng đặt ra cho cách mạng Việt Nam một số khó khăn: Địch nắm ưu thế vượt trội về vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh và tương quan lực lượng (ta có 27 vạn, địch có 120 vạn), nên vấn đề đánh “tiêu diệt lớn” quân viễn chinh là rất hạn chế. Ta chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến ở mặt trận đô thị. Do nhiều nguyên nhân (phương tiên thông tin liên lạc hạn chế, cần bảo đảm giữ bí mật,...) nên việc chỉ đạo tập trung, thống nhất tiến công đồng loạt trên toàn miền khó bảo đảm. Kinh nghiệm hiệp đồng giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công không nhiều. Công tác bảo đảm hậu cần, giao thông vận tải, binh vận,...chưa thật tốt. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá một cách tổng quát, phân tích đúng xu thế vận động, chiều hướng chiến tranh, sau nhiều lần nghiên cứu, thảo luận, Hội nghị Bộ Chính trị (đầu tháng 12-1967) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (tháng 1-1968) đi đến nhận định: “điểm cơ bản của tình hình vẫn là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Trong bức điện gửi Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam, ngày 18-1-1968, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng giải thích rõ thêm: “khi đã có thời cơ thuận lợi, nếu chúng ta biết làm và làm đúng, có sự nỗ lực vượt bậc thì lực lượng ít cũng có thể tạo nên sức mạnh bảo đảm giành được thắng lợi rất to lớn, rất quan trọng”.
Từ nhận định như trên, Trung ương Đảng hạ quyết tâm động viên những nỗ lực lớn nhất toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, với mục tiêu chiến lược: giáng cho địch một đòn thật mạnh và hiểm, bất ngờ và đồng loạt, làm cho Mỹ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Theo đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bao gồm hai đòn chính nhằm vào hai hướng chiến lược khác nhau: Đòn tiến công tập trung của bộ đội chủ lực tại chiến trường có lợi (chủ yếu là vùng rừng núi) nhằm kéo đại bộ phận lực lượng cơ động đối phương ra vòng ngoài, thực hiện giam chân, đánh tiêu hao, tiêu diệt lớn, làm phá sản chiến lược quân sự “tìm diệt” của Mỹ. Đòn tiến công tổng hợp (kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, binh vận) nhằm vào các đô thị, nơi có cơ quan đầu não, hậu cứ an toàn của địch, giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải đàm phán đi đến chấm dứt chiến tranh. Phạm vi tiến công diễn ra đồng loạt trên toàn Miền, nhằm thẳng vào các cơ quan đầu não chiến tranh, các trung tâm chỉ huy, căn cứ hậu cân, kho tàng, sân baycủa địch... Thời điểm tiến công vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, nhằm tạo nên sự bất ngờ lớn nhất đối với địch.
Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, quân dân ta nỗ lực vượt bậc khắc phục khó khăn, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để bước vào “trận đánh lịch sử”. Đúng đêm Giao thừa và đêm mồng 1 Tết Mậu Thân (ngày 30 và 31-1-1968), quân dân ta tiến công và nổi dậy trên toàn Miền; đồng loạt đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thời điểm 1968, chưa có cuộc động binh và huy động lực lượng nào có quy mô lớn và khí thế cao như thế. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân như “đòn sét đánh” làm choáng váng chính quyền địch, gây chấn động nước Mỹ và tác động lớn đến dư luận thế giới, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
50 năm trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm vóc, ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thắng lợi ấy do nhiều yếu tố kết hợp tạo nên, nhưng quan trọng và trực tiếp nhất là do Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm kịp thời, chính xác lãnh đạo quân dân ta chớp thời cơ tiến hành “cuộc động binh long trời, lở đất” giành thắng lợi vang dội.