Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Kinh nghiệm và giá trị vận dụng trong hiện tại: Điểm cốt lõi làm nên thắng lợi” của Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Xuân Nhiên, Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng.
Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lịch sử. Ảnh: Tư liệu |
Từ những nội dung đã trình bày, có thể rút ra mấy điểm cốt lõi đã làm nên thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Thứ nhất, để có được những thành quả trên, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã vượt qua nhiều gian khổ hy sinh, nêu cao quyết tâm tiến công địch, xây dựng được “thế trận lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân, trên khắp ba vùng chiến lược, tổ chức, bố trí hợp lý lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ba thứ quân ở đô thị, vùng ven, vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi.
Đây còn là kết quả của một quá trình nắm bắt thực tiễn trên chiến trường và tình hình nội bộ nước Mỹ, từ đó tính toán chọn lựa và tìm ra cách đánh Mỹ, cách thắng Mỹ phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, của Đảng ta, của các cấp chỉ đạo, chỉ huy chiến trường trong hoàn cảnh đối sánh lực lượng, vật chất chiến tranh giữa ta và địch có sự chênh lệch rất lớn.
Thứ hai, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã sớm phát hiện đúng chỗ sơ hở nhất của địch khi chúng đang có đông quân nhất và kịp thời hạ quyết tâm chiến lược đánh vào lúc bất ngờ nhất. Đó là đúng ngày Tết Mậu Thân, khi quân địch đang nghỉ và thiếu chuẩn bị. Quy mô và phạm vi tiến công rất lớn nhưng cơ bản giữ được bí mật, bất ngờ và rất táo bạo. Sử dụng lực lượng không nhiều, nhưng lại giành được thắng lợi rất lớn, gây được chấn động mạnh, trên phạm vi rất rộng, cả trên chiến trường, trong nước Mỹ và trên thế giới.
Thứ ba, Đảng ta đã biết dựa chắc vào dân, biết khơi dậy, tổ chức và phát huy sức mạnh đoàn kết, sức sáng tạo của nhân dân; phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy ít địch nhiều, lấy trí tuệ người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ. Đồng thời, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã cho thấy sức mạnh của lòng tin, của cán bộ, quần chúng đối với Đảng, với Bộ thống soái tối cao, cũng như ý thức chấp hành mệnh lệnh kiên quyết, triệt để của cán bộ, chiến sĩ và tinh thần hy sinh xả thân cứu nước của bộ đội và nhân dân ta, nhất là lực lượng biệt động.
Tuy nhiên, trong khi đánh giá cao thắng lợi to lớn và tính đúng đắn, sáng tạo của chủ trương chiến lược, chúng ta không thể không nói đến một số khuyết điểm, mà sau này Trung ương Đảng ta cũng đã nêu rõ, đó là: Ta đã không nhận thấy có những cố gắng mới của địch trong kế hoạch bình định nông thôn, thực hiện quốc sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Ních xơn, nên ta tiếp tục bị hút vào đô thị, bỏ lỏng nông thôn. Những khuyết điểm đó cũng đã gây cho ta một số tổn thất và gặp nhiều khó khăn về sau.
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân Giải phóng phá hủy (2/1968). Ảnh:Tư liệu TTXGP |
Song, tất cả những kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đều là những kinh nghiệm quý báu, thiết thực đối với những người lãnh đạo chỉ đạo chiến tranh, chiến lược của Đảng, người chỉ huy điều hành tác chiến của các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ sau này, nhất là đã trực tiếp góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975…
Ngày nay, nước ta đang ở một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, những năm tới, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.
Ở trong nước, cả thế và lực, cả sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là, những nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại. Vì vậy, ngay trong hòa bình, trong xây dựng đất nước, những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn giá trị lớn, đó là: Biết dựa vào dân, biết kết hợp chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam với trí tuệ sáng tạo Việt Nam, từ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ cho đến đông đảo quần chúng nhân dân, thì sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam trở nên phi thường, có thể làm nên những chiến công hiển hách, những điều kỳ diệu như trong Tết Mậu Thân năm 1968.
Đặc biệt, những kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật dùng binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 không những có giá trị dự báo, hoạch định chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, trong định hướng xây dựng lực lượng, thế trận và các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, của khu vực phòng thủ (các cấp) để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn có khả năng phòng chống “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch một cách hiệu quả; sẵn sàng đánh bại mọi quy mô, mọi kẻ thù xâm lược trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), mà còn có ý nghĩa rất thiết thực đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng đất nước ở thời kỳ mới; nhất là trong cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh, chống nghèo nàn, lạc hậu, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, cũng như giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho toàn dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam dạn dày kinh nghiệm, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước sẽ thành công; quân và dân ta có đủ nghị lực, niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.