Nhân sự kiện đặc biệt trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973-26/2/2023) này, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Australia.
Đại sứ đánh giá thế nào về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược?
Trong 5 năm qua, quan hệ chính trị, an ninh-quốc phòng giữa Việt Nam và Australia đạt những chuyển biến quan trọng về chất, thể hiện qua việc hai bên chia sẻ quan điểm, phối hợp lập trường trong nhiều vấn đề song phương và đa phương.
Chưa có thời điểm nào các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19, lại sôi động như vậy, với tổng cộng 6 đoàn cấp cao, hàng loạt cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trực tuyến hoặc bên lề các hội nghị quốc tế. Chỉ riêng năm 2022, hai bên phối hợp tổ chức thành công chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles.
Về đa phương, Australia ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) (tháng7/2022) nhiệm kỳ 2022-2026, phối hợp chặt chẽ trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng được quan tâm thúc đẩy thông qua các đối thoại chiến lược. Nổi bật là việc hai bên triển khai hiệu quả Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên. Australia tiếp tục hỗ trợ thiết thực trong các khóa đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam, 4 lần hỗ trợ vận chuyển quân nhân, trang thiết bị y tế của bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, nhiều lần cử tàu hải quân thăm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cam Ranh, cử đoàn tham dự Triển lãm Quốc phòng Việt Nam tháng 12/2022. Hai bên tiếp tục hợp tác tốt trong phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, triển khai hiệu quả các cuộc đối thoại an ninh cấp thứ trưởng.
Trong khi đó, quan hệ thương mại có bước tăng trưởng ngoạn mục. Trong giai đoạn 2018-2022, kim ngạch thương mại song phương tăng trung bình hằng năm 20%, riêng năm 2021 tăng 50%, năm 2022 đạt mức kỷ lục 15,7 tỷ USD, lần đầu tiên đưa Australia thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 10 của Australia.
Australia cũng duy trì hỗ trợ phát triển trung bình hơn 80 triệu AUD/năm, riêng tài khóa 2022-2023 tăng 18% đạt 92,8 triệu AUD. Australia cũng quan tâm triển khai hợp tác lao động kỳ nghỉ và chuẩn bị triển khai Bản ghi nhớ về lao động nông nghiệp ký tháng 3/2022. Nổi bật nhất, Australia hỗ trợ Việt Nam 26,4 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19, đứng thứ hai trong số các nước hỗ trợ vaccine cho Việt Nam.
Hợp tác giáo dục, khoa học-công nghệ tiếp tục phát triển với việc Australia đẩy mạnh các chương trình liên kết giáo dục tại Việt Nam, hỗ trợ sinh viên Việt Nam quay trở lại Australia học tập sau dịch COVID-19. Hai bên ký kết 14 văn kiện hợp tác nhân chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Các dự án trong Chương trình Phát triển Việt Nam (Aus4Vietnam) được triển khai hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện năng lực phụ nữ, mang lại giá trị gia tăng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi và thiết yếu.
Giữ đà phát triển quan hệ nhanh chóng, sâu sắc như trên là một thách thức không nhỏ đối với cả hai bên, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và nhiều lĩnh vực hợp tác mới đang được mở ra. Tuy vậy, Việt Nam tin tưởng quan hệ hai nước sẽ có những bước phát triển mới còn sâu sắc và thiết thực hơn nữa. Tôi trông đợi các tổ chức xã hội mới được thành lập, nhất là Viện Chính sách Australia Việt Nam, Chương trình Lãnh đạo trẻ Australia Việt Nam, Trung tâm Việt Nam Sydney… sẽ giúp nâng cao sự hiểu biết giữa người dân, doanh nghiệp và học giả hai nước, vì nhân tố con người luôn mang tính quyết định đối với mọi thành công.
Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023 giữa Việt Nam và Australia tập trung vào 3 trụ cột là tăng cường gắn kết kinh tế-thương mại; làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược-quốc phòng-an ninh; xây dựng quan hệ đối tác tri thức và đổi mới. Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện chương trình hành động này?
Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược 2020-2023 đã được hai bên triển khai hơn 2 năm. Trong năm nay, hai nước sẽ rà soát và đánh giá tổng thể những kết quả đạt được cũng như những việc cần quan tâm thúc đẩy thêm. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định hai bên đã thực hiện rất tốt chương trình này.
Theo tôi, 4 kết quả chính đạt được trong trụ cột về kinh tế là việc hai nước đã triển khai Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế (EEES, công bố ngày 21/12/2021), sử dụng hiệu quả viện trợ của Australia ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương, tăng cường kết nối doanh nghiệp thông qua những hình thức đa dạng. Với sự đồng hành của các bộ, ban, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan đại diện, những thành tựu này góp phần giúp thương mại song phương có bước phát triển đột phá trong năm 2021 (tăng 49,5%), năm 2022 (tăng 26,4%) và những năm tới.
Về hợp tác chiến lược và an ninh-quốc phòng, hai bên đạt được kết quả quan trọng trong hợp tác ở các kênh đảng và quốc hội, hợp tác tiểu vùng Mekong, ủng hộ và hỗ trợ Australia trở thành đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của ASEAN. Hai bên thực hiện hiệu quả các đối thoại chiến lược thường niên, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, y dược quốc phòng, phòng chống buôn lậu, an ninh biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh mạng, hỗ trợ tư pháp….
Về đối tác tri thức và đổi mới-sáng tạo, hai bên cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai các dự án phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, chính phủ điện tử, mở rộng hợp tác lao động kỳ nghỉ và khởi động hợp tác lao động nông nghiệp. Đáng lưu ý, riêng trong năm 2022, hai bên đã ký kết trên 20 văn kiện hợp tác về giáo dục-đào tạo
Điểm tồn tại duy nhất, theo tôi, có lẽ là việc Việt Nam và Australia chưa khai thác được hết các cơ hội, chưa triển khai được đầy đủ các cam kết về đầu tư đã đề ra trong EEES. Thời gian tới, hai bên cần tính đến việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương thăm lẫn nhau ở quy mô lớn, đưa vào thực hiện Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) sau khi nâng cấp và triển khai các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Để nâng cao nhận thức, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành hữu quan với các địa phương, doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt. Chúng tôi cũng trông đợi sẽ có các cơ chế hợp tác mới mang tính liên ngành để tạo sự thi đua giữa các lĩnh vực. Đồng thời, chúng tôi rất trông đợi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí hai nước.
Ngoài 3 trụ cột nêu trên, thời gian tới, những lĩnh vực hợp tác nào là còn nhiều dư địa nhất, tạo điều kiện để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ và là điểm nhấn trong quan hệ song phương Việt Nam - Australia khi bước vào giai đoạn mới, thưa Đại sứ?
5 năm triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia đã chứng kiến sự phát triển mạnh và toàn diện trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống, đặc biệt là kinh tế - thương mại. Quan hệ kinh tế tốt đẹp là nền tảng để phát triển hơn nữa quan hệ chính trị, đồng thời quan hệ chính trị tốt đẹp sẽ góp phần mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại - đầu tư.
Việt Nam mong muốn Australia tăng cường hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, hướng tới kinh tế tri thức và phát triển bền vững. Theo đó, chúng ta đã đề xuất hợp tác thực chất, hiệu quả với Australia trong các lĩnh vực năng lượng sạch, kinh tế xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, v.v.… Đây là những dư địa tiềm năng hai bên cần tập trung hợp tác trong giai đoạn phát triển mới.
Theo tôi, trên cơ sở lòng tin chiến lược sâu sắc, điểm nổi bật nhất trong quan hệ hai nước giai đoạn mới sẽ là sự hợp tác cùng có lợi, ngày càng thực chất, tin cậy và bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và thế giới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!