Trong bài viết, tác giả Moisés Pérez Mok - Trưởng cơ quan thường trú của Prensa Latina tại Hà Nội - bày tỏ ấn tượng trước không khí mừng ngày đất nước thống nhất, non sông một dải mà cả dân tộc Việt Nam đã chờ đợi hàng chục năm. Những tấm áp phích khổng lồ và nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức để kỷ niệm sự kiện cách đây 49 năm, đồng thời truyền tải những giá trị lịch sử và tinh thần đoàn kết dân tộc đến thế hệ trẻ.
Nhà báo Moisés Pérez Mok cho biết đây cũng là dịp để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với Cách mạng nhân ngày lễ trọng đại này.
Prensa Latina khẳng định Chiến thắng 30/4/1975 là minh chứng rõ nét cho tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Bài báo nhấn mạnh: “Sự kiện này đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, phong kiến ở Việt Nam, kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước và mở ra kỷ nguyên mới ở Việt Nam. Cả nước bắt đầu cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Theo Hãng thông tấn Mỹ Latinh, Chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang xuất sắc nhất, biểu tượng chói lọi về thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ nhân loại, đồng thời ghi dấu trong lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của Thế kỷ XX.
Prensa Latina dẫn nhận định của truyền thống quốc tế nêu bật những thành tựu kinh tế đáng chú ý mà Việt Nam đạt được sau khi thống nhất đất nước. Hãng thông tấn Mỹ Latinh chỉ rõ nền tảng của những tiến bộ đó là công cuộc Đổi mới được Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua. Đổi mới đã giúp Việt Nam từng bước sửa đổi cơ cấu kinh tế của đất nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến năm 2019, Việt Nam đã đứng thứ 8 trên thế giới và thứ 2 ở Đông Nam Á về tốc tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là nền kinh tế lớn thứ 22 trên thế giới về xuất khẩu. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2026 là GDP đứng thứ 2 khu vực sau Indonesia và đến cuối năm 2029 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới.