Phiên bản điện tử của Đài phát thanh Sancti Spíritus (Cuba) đăng tải liền trong 3 ngày 28, 29 và 30/4/2024 bài viết về những ký ức của cố nhà báo Marta Rojas - phóng viên quốc tế cuối cùng thực hiện phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người qua đời.
Nhà báo Marta Rojas lần đầu tới Việt Nam năm 1964 và trở thành một trong những phóng viên chiến trường người Cuba và Mỹ Latinh đầu tiên trực tiếp tới tác nghiệp tại Việt Nam trong những tháng năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cho tới năm 1975, bà Marta Rojas trở lại Việt Nam hàng năm với tư cách là nhà báo, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Bà cũng là nhân chứng tại Tòa án quốc tế Bertran Russell, nơi đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Nữ nhà báo Cách mạng Cuba đã dũng cảm theo bước các chiến sĩ quân Giải phóng trên khắp các chiến trường, tận mắt chứng kiến những trận mưa bom bão đạn của không quân Mỹ tàn phá miền Bắc, cho tới những trận chiến mưu trí, gan dạ của quân du kích ở miền Nam. Thông qua những bài báo của bà Marta Rojas, nhân dân Cuba và Mỹ Latinh tiếp cận được những chi tiết sống động và chân thực nhất về cuộc chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, càng hiểu hơn, trân trọng và ủng hộ cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, chính nghĩa của nhân dân ta.
Theo Radio Sancti Spíritus, trong suốt sự nghiệp viết báo của mình, nhất là trong thời gian tác nghiệp tại Việt Nam, kỷ niệm vô giá mà nhà báo Marta Rojas luôn trân trọng đó là cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tháng 7/1969. Người xuất hiện giản dị, chủ động chào nhà báo Marta Rojas bằng tiếng Tây Ban Nha rồi ôm bà vào lòng như đón người thân ở nơi xa mới về.
Người nói: “Đừng gọi tôi là Chủ tịch, cứ gọi là Bác Hồ”.
Bà kể lại là phóng viên đến phỏng vấn Bác, nhưng cuối cùng dường như được Bác phỏng vấn ngược lại. Bác ân cần hỏi về tình hình Cuba, hỏi thăm sức khỏe của đồng chí Fidel Castro, rồi hỏi về chuyến tác nghiệp tới chiến trường miền Nam của nhà báo Marta Rojas. Người hỏi chuyện về Vĩnh Linh, “mục tiêu của những cuộc tấn công hóa học gần đây, nơi cá bơi tung tăng trong các hố bom và hoa mọc ở rìa”, Người muốn biết lá cờ dài 60m của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tung bay ra sao bên bờ sông Bến Hải... Cuộc phỏng vấn của nhà báo Cuba với lãnh tụ của nhân dân Việt Nam bỗng chốc biến thành cuộc trò chuyện thân mật giữa những người anh em, đồng chí thân thuộc.
Ngày 30/4/1975, bà Marta Rojas - khi ấy là Trưởng Ban Thông tin của báo Granma (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba) - đang trong ca trực. Những tiếng tặc tè liên tục của máy điện báo thu hút sự chú ý của bà. Đầu bên kia cấp báo: “Sài Gòn thất thủ!”.
Ngay lập tức Cuba quyết định cử đoàn sang Việt Nam. 36 giờ sau, bà Marta Rojas, cố đạo diễn Santiago Álvarez và nhóm thời sự của Viện Nghệ thuật và Công nghiệp Điện ảnh Cuba (ICAIC) đã có mặt tại Hà Nội, trên một chiếc xe jeep, chuẩn bị vượt quãng đường 2.000km đến Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, để chứng kiến Lễ duyệt binh Chiến thắng.
“Giữa các đội du kích từ miền Nam, tôi thấy một số chiến sĩ tôi quen biết trong rừng, trong số đó có phiên dịch Thuận. Tôi rời khỏi khán đài và chúng tôi ôm nhau.
- Còn Ngọc đâu?, tôi hỏi
- Hy sinh trên đường vào Sài Gòn rồi, Thuận đáp lại bằng giọng run run.
Marta ngẩng mặt lên và nghĩ rằng bà nghe thấy tiếng chim bồ câu hót líu lo trên đầu khẩu pháo của một chiếc xe tăng đang đi ngang qua. Sau đó, ký ức ùa về và bà thấy mình đang ngồi viết giữa một chiều hoàng hôn trong rừng rậm ở miền Nam Việt Nam. Đất dưới chân rung chuyển, B-52 quần thảo trên bầu trời, những bức chân dung, bàn ghế và mọi thứ đều rung chuyển”.
Cũng chính trong những ngày ấy, ở miền Bắc, các cán bộ của Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội đổ ra đường chung vui với nhân dân Việt Nam anh em, ôm lấy bất cứ ai họ gặp.
Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại La Habana, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González bồi hồi ôn lại những ký ức của tháng Tư khải hoàn. Mọi người dù không quen biết vẫn ôm lấy nhau trong niềm hạnh phúc vô bờ của ngày Bắc - Nam thống nhất, non sông nối liền một dải. Nhiều người khóc vì vui sướng và hô vang những khẩu hiệu Cách mạng, hô vang “Việt Nam-Hồ Chí Minh”.
Đại sứ Fredesmán, “đồng chí Hùng” đối với nhiều người bạn Việt Nam, kể lại: “Tôi nhớ người đầu tiên mình ôm hình như là anh lính cảnh vệ trước cửa Đại sứ quán. Sau đó, cùng với những công nhân Cuba đang xây dựng Khách sạn Thắng Lợi, tôi ngồi trên xe tải đi qua các đường phố chính của Hà Nội, vẫy cờ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ca hát và bấm còi xe tải, hòa chung với nhân dân Việt Nam trong niềm vui khôn tả sau hơn một thế kỷ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc”.
Nhà ngoại giao từng 2 lần giữ cương vị Đại sứ Cuba tại Việt Nam xúc động: “Ngày 30/4/1975 là một dấu mốc phi thường. Việt Nam đã giành được độc lập hoàn toàn, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sau biết bao hy sinh về người và của. Nhân dân Việt Nam, với chiến thắng 30/4, đã viết nên một trong những trang vẻ vang nhất của lịch sử đương đại”.
Từ phòng khách trang nhã, ấm cúng tại nhà riêng ở thủ đô La Habana, với chất giọng Hà Nội nhẹ nhàng, chậm rãi, “đồng chí Hùng” gửi tới nhân dân Việt Nam anh em lời chúc mừng nồng nhiệt và những tình cảm thương mến nhất nhân dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, mốc son chói lọi, trang sử huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nguyên Đại sứ Cuba bày tỏ: “Tôi rất hạnh phúc với những thành công của Việt Nam, quê hương thứ hai của tôi. Tôi vui như thể đó là thành công của chính mình”.