Nóng trong tuần:

28 tỉnh tiếp tục thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg, làm rõ hành vi phạm tội của Đường 'Nhuệ'  

28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 4 tổ chức đảng, 23 đảng viên; Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Đường “Nhuệ”… là những vấn đề nóng trong tuần qua.

28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ,  Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tùy diễn biến dịch bệnh. Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại.

Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc cách ly toàn xã hội và các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.

Đánh giá cao và biểu dương tinh thần đoàn kết, quyết tâm và hiệu quả phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là của lực lượng y tế, quân đội, công an, ngoại giao; thông tin và truyền thông, giao thông vận tải và các địa phương trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị hiệu quả, chưa có trường hợp tử vong… là những kết quả tích cực.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp đã tập trung chỉ đạo sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra.

Trên thế giới, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, số người mắc bệnh và tử vong vẫn tăng cao hàng ngày, còn trong nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan ra cộng đồng và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Bộ, ngành, địa phương; huy động cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phát huy hiệu quả 4 tại chỗ phòng chống dịch.

Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân; kiên định các chiến lược đã đề ra: Ngăn chặn, phát hiện nhanh; cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả; có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở phòng chống dịch thành công, bảo đảm sự ổn định căn bản, lâu dài về việc làm và an sinh xã hội.

Phòng chống dịch với mục tiêu bao trùm: Kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế các trường hợp tử vong, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để từng địa phương có thể linh hoạt thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội; xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng tại địa phương phù hợp theo các cấp độ; yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo đối với các hoạt động của 3 nhóm tỉnh, thành phố là: Ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, tập trung đông người.

Bên cạnh đó, quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng chống dịch; tập trung xử lý triệt để các ổ dịch đã phát hiện.

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương chịu trách nhiệm: Quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, có thể áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo quy mô cấp xã hoặc cấp huyện tuỳ thuộc nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn; quyết định việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020.

Các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh. Không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020. Kiểm soát chặt người nhập cảnh, tạm dừng cấp visa nhập cảnh với người nước ngoài cả đường bộ, đường không, đường thuỷ (trừ trường hợp ngoại giao, công vụ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao, nhà đầu tư quốc tế...).

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo hạn chế các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam, hạn chế chuyến bay nội địa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5).

Các Bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục tăng cường các hoạt động họp trực tuyến, học trực tuyến, thanh toán trực tuyến; khuyến khích cán bộ làm việc tại nhà.

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu cơ quan nhà nước khác quyết định cụ thể việc này, bảo đảm công việc thông suốt, chất lượng, đúng kế hoạch, nhất là những công việc có thời hiệu, thời hạn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất và các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh trước đại dịch ở 63 tỉnh, thành; đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lây lan dịch bệnh và phương án ứng phó phù hợp với từng ngưỡng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục phổ biến, hướng dẫn người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình, nâng cao ý thức công dân trong phòng, chống dịch; tránh đưa thông tin gây chủ quan, hoang mang trong nhân dân.

Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai việc hỗ trợ an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết của Chính phủ. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị mới về phòng, chống dịch COVID-19.

Làm rõ hành vi phạm tội của Đường “Nhuệ”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có Thông báo ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật của Đường “Nhuệ”, tức Nguyễn Xuân Đường.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Thông báo nêu rõ: Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, đối tượng Đường “Nhuệ”, tức Nguyễn Xuân Đường, trú tại TP Thái Bình cùng đồng phạm có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong thời gian qua, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Phòng chống tội phạm của Chính phủ nêu rõ: Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm và hoan nghênh Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng để điều tra đối với hành vi “cố ý gây thương tích” của Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ  yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội “cố ý gây thương tích” của các đối tượng.

Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Báo cáo kết quả điều tra bước đầu lên Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ (qua Thường trực Ban chỉ đạo) trước ngày 30/4/2020 để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 4 tổ chức đảng, 23 đảng viên

Tại Kỳ họp lần thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương (UBKTQUTW) nhiệm kỳ 2015 - 2020 tổ chức ngày 16/4, UBKTQUTW đã bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật của Đảng đối với 4 tổ chức đảng trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và thi hành kỷ luật về Đảng đối với 23 đảng viên.

Chú thích ảnh
Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm UBKTQUTW. Ảnh: TTXVN.

Kỳ họp diễn ra dưới sự chủ trì của Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm UBKTQUTW.  Tại kỳ họp, UBKTQUTW đã nghe báo cáo kết quả xem xét, đề nghị kiểm tra thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật của Thường trực UBKTQUTW.

Các thành viên UBKTQUTW tập trung thảo luận, phân tích làm rõ và kết luận những vi phạm của các tổ chức đảng và cá nhân bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, kỷ luật Quân đội.  

UBKTQUTW bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật của Đảng đối với 4 tổ chức đảng trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, nhiệm kỳ 2010 - 2015 (khiển trách 2, cảnh cáo 2) và thi hành kỷ luật về Đảng đối với 23 đảng viên (khiển trách 10, cảnh cáo 10, cách chức 1, khai trừ 2); kỷ luật về quân đội đối với 17 quân nhân (khiển trách 3, cảnh cáo 8, cách chức 1, giáng cấp bậc quân hàm 2, tước danh hiệu quân nhân 3).

Đánh giá cao công tác tham mưu, chuẩn bị của Thường trực UBKTQUTW khi chủ động kiểm tra, giám sát, bám nắm tình hình, kịp thời đề xuất các tập thể và cá nhân vi phạm kỷ luật thấu tình, đạt lý, đúng người, đúng lỗi phạm, không có vùng cấm, Đại tướng Lương Cường cho rằng, quá trình xem xét kỷ luật tổ chức đảng và cá nhân đã chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, đặc biệt giữ nghiêm nguyên tắc, quy định, xem xét xử lý tập thể gắn với trách nhiệm cá nhân.

Đại tướng Lương Cường đề nghị thời gian tới, Thường trực UBKTQUTW chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và UBKTQUTW lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật; chủ động nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết kịp thời, xử lý dứt điểm đơn, thư tố cáo, khiếu nại, góp phần giữ vững, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Bên cạnh đó, Thường trực UBKTQUTW tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

V.Tôn/Báo Tin tức
Du lịch TP Hồ Chí Minh chủ động vượt qua dịch COVID-19 - Bài 1: Đa dạng giải pháp phòng, chống
Du lịch TP Hồ Chí Minh chủ động vượt qua dịch COVID-19 - Bài 1: Đa dạng giải pháp phòng, chống

Với diễn biến mới và ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, song song với thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngành Du lịch Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN