Tại khoản 3 Điều 4 Luật Biển Việt Nam 2012, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế
Trên cơ sở các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký với các nước láng giềng một số điều ước quốc tế về phân định biển. Cụ thể, với Campuchia, Việt Nam đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử ngày 7/7/1982 (có hiệu lực kể từ ngày 7/7/1982); với Thái Lan, Việt Nam đã ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển trong Vịnh Thái Lan ngày 9/8/1997 (có hiệu lực kể từ ngày 27/2/1998); với Trung Quốc, Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000 (có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004); với Indonesia, Hiệp định về phân định ranh giới thềm lục địa ngày 26/6/2003 (có hiệu lực kể từ ngày 29/5/2007).
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và đã trải qua 11 vòng đàm phán với Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành 8 vòng đàm phán Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển, 13 vòng đàm phán Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam tiến hành đàm phán, đối thoại với các quốc gia ven biển khác.
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo quy định tại Điều 76 UNCLOS, Việt Nam đã xây dựng và đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa, theo đó, xác định phạm vi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở Biển Đông; báo cáo chung với Malaysia về ranh giới ngoài thềm lục địa khu vực phía Nam Việt Nam - Malaysia theo đúng thời hạn quy định của Liên hợp quốc. Trong các ngày 27 và 28/8/2019, Việt Nam đã trình bày hai bản báo cáo này tại CLCS, đồng thời đề nghị CLCS sớm thành lập các Tiểu ban để xem xét trên cơ sở phù hợp với các quy định của UNCLOS cũng như Quy tắc hoạt động của CLCS.
Liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, coi đây là cơ sở cho việc giải quyết bất đồng giữa các bên. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 4/11/2002 (DOC) cũng như Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông.
Phù hợp với các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, hỗ trợ ngư dân. Việt Nam đã trao đổi với các nước liên quan để tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão trong vùng biển các nước và kịp thời tiến hành tìm kiếm, cứu nạn đối với ngư dân Việt Nam và ngư dân nước ngoài gặp nạn trên biển trên tinh thần nhân đạo. Để nâng cao hiệu quả của công tác, Việt Nam từng bước hoàn thiện bộ máy về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có việc thành lập và kiện toàn tổ chức của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không có những hành động diễn giải sai trái hay cố tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò của công ước. Bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của UNCLOS. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của UNCLOS.
Đối với các vụ việc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước, Việt Nam cũng kiên trì, kiên quyết nêu các quan điểm trên, đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó gồm UNCLOS, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường đúng đắn, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Về hợp tác cùng phát triển, chủ trương của Việt Nam là việc phối hợp hành động với các nước theo các quy định và chế định của UNCLOS vì mục đích phát triển bền vững, theo đó, tùy theo tính chất và nội dung, việc hợp tác có thể tiến hành tại khu vực chồng lấn hay thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế và tại khu vực không có tranh chấp (vùng biển của riêng một nước hoặc thuộc biển quốc tế). Đối với khu vực tranh chấp, việc hợp tác phải bảo đảm công bằng, không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên và giải pháp cuối cùng. Việc hợp tác tại khu vực không có tranh chấp phải trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, đồng thời, không được cản trở các quyền tự do mà tất cả các quốc gia được hưởng tại vùng biển quốc tế theo quy định của UNCLOS.
Với chủ trương trên, Việt Nam hiện duy trì các cơ chế về hợp tác cùng phát triển với các nước ven Biển Đông. Cụ thể, tại khu vực chồng lấn, chưa phân định, Việt Nam đã ký và triển khai hiệu quả với Malaysia Thỏa thuận về việc hợp tác tài nguyên khoáng sản khu vực thềm lục địa chồng lấn năm 1992. Tại khu vực đã phân định, Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc 25/12/2000 (có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004), Thỏa thuận Khung về hợp tác dầu khí trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ ngày 31/10/2005 và Thỏa thuận thăm dò chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 16/11/2006. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và cùng tiến hành lễ thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.
Quản lý có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển
Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong triển khai các hoạt động kinh tế biển, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS. Nhờ đó, kinh tế biển của Việt Nam đã có những phát triển tích cực, đời sống của người dân được nâng cao, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường biển.
Kinh tế biển và ven biển đã đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của người dân ven biển tăng lên. Giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục tăng. Hệ thống cảng biển ngày càng phát triển, mở rộng cả về quy mô, số lượng và mật độ tại các vùng miền trong cả nước, từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa, chuyên dụng hóa, trong đó nhiều cảng, bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Các cảng hàng không, sân bay ven biển được đầu tư hiện đại và hiện đang được khai thác hiệu quả.
Năng lực đội tàu biển Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới; sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng đều theo các năm. Hiện nay, Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn. Các khu kinh tế ven biển có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ven biển.
Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng khai thác thủy sản và số lượng cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu liên tục tăng qua các năm. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam hiện nay được xếp vào loại khá trên thế giới, nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ.
Với chủ trương chống khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã và đang tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá, tăng cường triển khai thực hiện pháp luật, sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản. Các biện pháp của Việt Nam về chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả tích cực và Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp phòng, chống khai thác IUU quyết liệt để xây dựng nghề cá phát triển bền vững và có trách nhiệm, với mục tiêu cân bằng giữa phòng chống khai thác IUU và việc an sinh xã hội, sinh kế, an toàn của ngư dân.
Việt Nam cũng chú trọng phát triển khoa học - công nghệ biển. Nhiều chương trình khoa học - công nghệ biển đã và đang được triển khai và thu được những kết quả tích cực. Các chương trình khoa học - công nghệ biển đã cung cấp được những cơ sở khoa học cho phát triển bền vững và quản lý tổng hợp vùng đới bờ, dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản xa bờ, ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản, ứng dụng năng lượng thủy triều vào mục đích sản xuất điện, dự báo sớm thời tiết khắc nghiệt như bão, mưa lớn, sóng thần; nâng cao khả năng và cải thiện đáng kể độ chính xác của các dự báo làm cơ sở cảnh báo, giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động trên biển và khu vực ven bờ.
Về nghiên cứu khoa học biển, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong vùng biển Việt Nam phù hợp với Luật Biển Việt Nam và UNCLOS. Trên cơ sở các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, cho đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho nhiều đoàn nghiên cứu khoa học biển trong các vùng biển Việt Nam.
Việt Nam cũng coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững kinh tế đất nước. Để thực hiện những mục tiêu này, một loạt các biện pháp đã được triển khai như ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Về nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 ngay trước thềm Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 22 (COP22) thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương trong khuôn khổ các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương” như nêu tại Chiến lược phát triển về vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đã và đang triển khai một loạt các biện pháp trong đó có việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải đại dương; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm và đề xuất giải pháp xử lý vấn đề này.
Bài cuối: Tăng cường hợp tác quốc tế về biển