25 năm thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam - Bài 1: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển

Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3.260 km, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Sau khi UNCLOS được thông qua, Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS. Ngày 14/7/1994, Việt Nam đã nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Do vậy, ngày 16/11/1994, khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực cũng đồng thời là ngày văn kiện này có hiệu lực đối với Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tàu Cảnh sát biển 8001 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) làm nhiệm vụ tại khu vực nhà giàn DK1/15 thuộc cụm Phúc Nguyên. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Xây dựng và hoàn thiện chính sách về biển

Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nói chung và của UNCLOS nói riêng, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của UNCLOS, đồng thời có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước, như đã khẳng định tại Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS: "Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển".

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với quan điểm nhất quán là quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, làm cho dân giàu, nước mạnh, Đảng đã xây dựng tầm nhìn và ban hành nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo thể hiện qua các văn kiện Đại hội của Đảng.

Đây là cơ sở để các cơ quan Nhà nước thể chế hóa các chính sách của Đảng nhằm quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng biển. Trước hết và quan trọng nhất là "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" được ban hành tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X và "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045" tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

"Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" ra đời trong bối cảnh Việt Nam kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và đã trải qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế được mở rộng thông qua thực hiện các hiệp định đa phương, song phương góp phần tạo ra "thế" và "lực" mới cho đất nước.

Với nhận định "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương", "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chiến lược đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển là khai thác, chế biến dầu khí; khai thác và chế biển hải sản; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển du lịch và nghỉ dưỡng biển; tăng cường xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, Chiến lược cũng định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", phù hợp với bối cảnh mới, "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045" đã được thông qua tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

"Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045" khẳng định những quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chủ trương phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển; đồng thời đề ra những mục tiêu mới với những giải pháp tổng thể, chiến lược.

Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, hình thành văn hóa sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, với những mục tiêu cụ thể là các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng, thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực…

Để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và dự kiến ban hành Kế hoạch vào năm 2019.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển phù hợp với UNCLOS, phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhiều luật chuyên ngành về biển và các lĩnh vực kinh tế biển đã được ban hành.

Trong đó, đáng chú ý là Luật Dầu khí sửa đổi các năm 2008 và 2005 (sửa đổi Luật Dầu khí 1993); Luật Bảo vệ môi trường 2014 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường 1993 và 2005); Luật Biên giới quốc gia 2003; Luật Thủy sản 2017 (thay thế Luật Thủy sản 2003); Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015 (thay thế Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2005); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật Quy hoạch 2017; Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.

Để triển khai hiệu quả các văn bản luật nêu trên, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành đã được ban hành. Có thể kể đến Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản trong đó có quy định về các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 20/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định...

Việc trở thành thành viên UNCLOS đòi hỏi Việt Nam phải có một đạo luật riêng và tổng thể về biển. Trong bối cảnh đó, ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế.

Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều quy định nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; hợp tác quốc tế về biển; các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển nói riêng. Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của mình. Đồng thời, qua đó Việt Nam đã chuyển đi thông điệp Việt Nam tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Bài 2: Quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo

TTXVN/Báo Tin tức
Hội thảo về Biển Đông tại Ấn Độ: Các học giả kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế
Hội thảo về Biển Đông tại Ấn Độ: Các học giả kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế

Ngày 29/11, tại trung tâm Hội thảo quốc tế ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã diễn ra hội thảo khoa học: "Biển Đông - những thách thức hiện tại và triển vọng tương lai".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN