Sáng nay (31/12), Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về
công tác tư pháp quý IV năm 2013. Tại buổi họp báo, ông Trần Tiến Dũng, Chánh
Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp, đã công bố 10 sự kiện nổi bật của
ngành Tư pháp trong năm 2013.
Theo
đó, 10 sự kiện nổi bật năm 2013 của ngành Tư pháp như sau:
1. Tổ chức thành công “Ngày Pháp luật” đầu tiên trong toàn
quốc
“Ngày
Pháp luật” 09/11 đầu tiên trong toàn quốc với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi
hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh” mà cao điểm là Lễ công bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam” đã được tổ chức thành công, đánh dấu bước chuyển hướng chiến
lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật. Đây là thông điệp của
Đảng và Nhà nước ta gửi đến toàn dân về ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp
luật, đồng thời gửi đến bạn bè thế giới về cam kết quyết tâm xây dựng một Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố và tạo lập hình ảnh của nước
Việt Nam thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp, công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp trong năm 2013. |
2. Khẳng định công tác tư pháp là nhiệm vụ của Chính phủ,
chính quyền địa phương
Lần
đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm
2013, với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự chủ
trì, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự tham gia của
Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, để đánh giá toàn diện công tác tư pháp đóng góp cho sự nghiệp
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời khẳng định trách nhiệm của
lãnh đạo cấp ủy, của chính quyền, của Người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương
đối với công tác tư pháp.
3. Tiền đề quan trọng tạo nên bước đổi mới căn bản về tổ
chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư
Đề
án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ
liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 đã tạo tiền đề để
tiến hành đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt
động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, thể hiện ở việc áp dụng thống nhất,
đồng bộ những tiến bộ công nghệ thông tin
trong quản lý sử dụng cơ sở dữ liệu thời gian tới.
Việc đề án ra đời và triển khai hiệu quả trên thực tế sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp người dân
tiết kiệm thời gian, chi phí; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân;
đồng thời phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.
4. Hoàn thiện thể chế và hình thành bộ máy quản lý xử lý vi
phạm hành chính thống nhất trong toàn quốc, đưa Luật Xử lý vi phạm hành chính
đi vào cuộc sống
Chính
phủ trong một năm hoàn thành 50 nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên các
lĩnh vực quản lý nhà nước, giảm hơn 70 nghị định so với trước đây, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định của hệ thống pháp luật về xử lý vi
phạm hành chính, bảo đảm Luật Xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống và tạo điều kiện
cho người dân dễ hiểu, dễ chấp hành pháp luật.
Cùng
với hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy biên chế triển khai thực hiện quản
lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư
pháp; các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương” thể
hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc quyết tâm đưa Luật Xử
lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống và là cơ sở để
các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thi hành pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính thống nhất trong toàn quốc, phục
vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật.
5. Công
chứng Việt Nam trở thành thành viên của Liên minh công chứng quốc tế
Ngày 09/10/2013, tại Đại hội toàn thể của Liên minh công
chứng quốc tế (UINL) được tổ chức tại thành phố Lima,
thủ đô Pê-ru, Công chứng Việt nam đã chính thức được kết nạp trở thành thành
viên thứ 84 của UINL trước sự chứng kiến của gần 1.000 đại biểu đến từ
các nước và vùng lãnh thổ là thành viên của UINL. Sự kiện này đánh dấu bước
phát triển quan trọng trong lịch sử Công chứng Việt Nam, ghi nhận sự phát triển
mạnh mẽ của Công chứng Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt là việc Việt
Nam thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Việc Việt
Nam trở thành thành viên chính thức của UINL cũng góp phần nâng cao vị thế của
Công chứng Việt Nam trên trường quốc tế và là cơ hội để xây dựng, phát triển
bền vững nghề công chứng tại Việt Nam.
6. Công nhận “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” và “Ngày
truyền thống Luật sư Việt Nam”
Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống
Thi hành án dân sự” và ngày 10/10 hàng năm là “Ngày truyền thống Luật sư Việt
Nam” là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển công tác thi hành án dân
sự và nghề luật sư, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước
về vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của hai lĩnh vực này đối với xã hội. Đây là dịp để ôn lại truyền
thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đề ra phương hướng, nhiệm
vụ, giải pháp mới để tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong công
tác thi hành án dân sự, phát triển bền vững nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu của
công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp.
7. Quy chế phối hợp liên ngành trong công
tác thi hành án dân sự được ký kết, tạo cơ sở phát triển bền vững công tác này
Dưới sự chứng kiến của đồng chí
Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo đầu
ngành các Bộ, ngành: Bộ Tư pháp - Bộ Công an -
Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Quy chế phối
hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo
của các ngành từ Trung ương đến các địa phương. Một phần quan trọng nhờ có sự
tăng cường phối hợp liên ngành ở cả ba cấp, kết quả thi hành án dân sự năm 2013
tăng 97.691 việc (24,71%) so với cùng kỳ năm 2012 và 18.620 tỷ 438 triệu 46
nghìn đồng (180%) so với cùng kỳ năm 2012, tiếp tục đưa công tác thi hành án
dân sự phát triển một cách bền vững.
8. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp tiếp tục tăng cường, mở rộng
Chức
năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp tiếp tục được tăng cường, mở rộng theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính
phủ. Các nhiệm vụ mới được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp như quản lý
thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quản lý nhà
nước về kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi tình hình ban hành văn bản quy
định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, là đại diện pháp lý của Chính
phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, tạo tiền đề cho sự phát triển
của Bộ và Ngành Tư pháp với diện mạo mới, đồng thời khẳng định sự tin tưởng của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Ngành trong sự nghiệp phát triển kinh
tế, xã hội của đất nước.
9. Quốc hội thông qua Luật hòa giải ở cơ sở
Luật
hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày
20/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Luật được ban hành tạo cơ
sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế
và vật chất để tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát triển, không
ngừng làm đậm thêm tính nhân văn, vì mọi người và trên cơ sở tình người của
công tác hòa giải ở cơ sở - truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, phát huy
dân chủ trong cộng đồng dân cư; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc;
kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở; giảm bớt các
vụ, việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
10. Công tác đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư
pháp có bước phát triển quan trọng
Cùng
với việc hoàn thành hai công trình tòa nhà A Đại học Luật Hà Nội và trụ sở cơ
quan mới của Học viện Tư pháp với công năng hiện đại, thể hiện sự quan tâm sâu
sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, tư
pháp, Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học
Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp
luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức
danh tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các ngày 05/4/2013,
08/11/2013, với mục tiêu đến năm 2020, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào
tạo cán bộ pháp luật, tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư
pháp và hội nhập quốc tế, là dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ
pháp luật, tư pháp của đất nước.
Huyền Tím (ghi)