Xung đột gia tăng tại Trung Đông gây thêm áp lực lên các thị trường

Giá dầu châu Á giảm trong phiên 10/10 sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước đó, khi nhà giao dịch thận trọng trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang diễn ra.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bất ổn Trung Đông gây sức ép lên giá dầu

Khoảng 15 giờ 05 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 36 xu Mỹ xuống 87,79 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 35 xu Mỹ xuống 86,03 USD/thùng. Hai hợp đồng dầu chủ chốt này có lúc đã giảm hơn 1 USD/thùng lúc đầu phiên.

Trong phiên 9/10, dầu Brent và WTI đã tăng hơn 3,5 USD khi các cuộc đụng độ làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israelcó thể lan rộng ra ngoài dải Gaza vào khu vực giàu dầu mỏ.

Các nhà phân tích của ING ngày 10/10 cho biết vẫn còn nhiều bất ổn trên các thị trường sau vụ xung đột ở Israel cuối tuần qua, đồng thời cho biết thị trường dầu mỏ hiện đang đánh giá mức rủi ro.

Các nhà phân tích của ING cho biết thêm nếu các báo cáo về sự liên quan của Iran là đúng, điều này sẽ tạo ra một lực đẩy khác cho giá dầu, vì tổ chức này dự đoán rằng Mỹ sẽ thực thi các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Iran một cách nghiêm ngặt hơn. Điều đó sẽ gia tăng sức ép cho thị trường vốn đã thắt chặt.

Mặc dù Israel sản xuất rất ít dầu thô, song thị trường lo ngại rằng nếu xung đột leo thang, nó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ở Trung Đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt được dự báo trước đó trong thời gian còn lại của năm.

Vivek Dhar, nhà phân tích năng lượng tại CBA, cho biết nếu Mỹ tìm thấy bằng chứng liên quan trực tiếp đến Iran, thì việc giảm xuất khẩu dầu ngay lập tức của Iran sẽ trở thành hiện thực. Ông Dhar tin rằng giá dầu Brent sẽ ổn định trong khoảng từ 90-100 USD/thùng trong quý IV/2023, đồng thời cho biết xung đột Palestine-Israel làm tăng nguy cơ giá dầu Brent kỳ hạn ở mức 100 USD/thùng trở lên.

Thị trường chứng khoán phần lớn tăng điểm

Các thị trường chứng khoán phần lớn tăng trong phiên 10/10 sau khi các quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng mức tăng đột biến gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể đóng vai trò thay thế cho việc tăng lãi suất tiếp theo.

Mức tăng này diễn ra trong bối cảnh giá dầu sụt giảm do những lo ngại về nguồn cung sau khi lực lượng Hamas tiến hành cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào Israel hồi cuối tuần qua. Các nhà giao dịch hy vọng cuộc khủng hoảng này sẽ không lan rộng sang khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, các nhà giao dịch đã có một khởi đầu tuần mới tích cực, nhờ vào báo cáo việc làm không không quá yếu cũng không quá mạnh của Mỹ hôm 6/10.

Tâm trạng lạc quan cũng được thúc đẩy hôm 9/10 sau khi Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson cho biết lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng đột biến gần đây lên mức cao nhất trong nhiều năm có thể mang lại sự hạn chế cần thiết đối với tín dụng mà lãi suất cao hơn có thể đạt được.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 9/2023 của Fed sẽ được công bố vào ngày 11/10, cùng với số liệu lạm phát.

Khép phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản) tăng 2,4% lên 31.746,53 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8% lên 17.664,73 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,7% xuống 3.075,24 điểm.

Chứng khoán Sydney, Singapore, Wellington, Mumbai, Bangkok, Manila và Jakarta cũng tăng, còn chứng khoán Seoul giảm.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 6,33 điểm lên 1.143,69 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này. HNX-Index tăng 0,62 điểm lên 234,17 điểm.

Giá vàng châu Á chạm mức cao của 1 tuần

Giá vàng châu Á chạm mức cao nhất trong hơn một tuần phiên 10/10, một ngày sau khi ghi nhận mức tăng mạnh do cuộc xung đột ở Trung Đông làm gia tăng bất ổn trên thị trường và do bình luận từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây sức ép lên đồng USD và lợi suất trái phiếu.

Giá vàng giao ngay đã tăng lên 1.865,19 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 29/9 và sau đó kim loại quý này ổn định ở mức 1.860,21 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên 1.874,10 USD/ounce.

Giá vàng đã tăng khoảng 1,6% phiên 9/10, mức tăng nhiều nhất tính theo ngày trong 5 tháng, do cuộc xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas thúc đẩy nhu cầu tài sản an toàn và dầu.

Cuộc xung đột này làm gia tăng bất ổn trước mùa thu nhập doanh nghiệp và dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ trong tuần này.

Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính tại Capital.com, cho biết các sự kiện ở Trung Đông đã tạo chất xúc tác cho vàng phục hồi sau tình trạng bán quá mức.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh từ mức cao nhất năm 2007 và chỉ số đồng USD giảm nhẹ khi các quan chức hàng đầu của Fed chỉ ra rằng việc lợi suất trái phiếu dài hạn tăng có thể khiến Fed không tăng thêm lãi suất ngắn hạn.

Bình luận của Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson và Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas Lorie Logan đã khiến các nhà đầu tư hạ thấp khả năng Fed tăng thêm lãi suất.

Thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 9/2023 của Fed, dự kiến công bố ngày 11/10.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 21,73 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% lên 889,05 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,6% lên 1.146,37 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào cuối giờ chiều 10/10, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,05 - 69,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Minh Hằng  (TTXVN)
Giá dầu tăng mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo
Giá dầu tăng mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo

Do lo ngại xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas có nguy cơ leo thang, đẩy khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ vào tình trạng bất ổn hơn nữa, thị trường năng lượng và tiền tệ trên thế giới đã có những biến động mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN