Ông Hun Lak, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lúa gạo Campuchia, cho rằng mức giảm này không đáng lo ngại bởi năm 2019 mới chỉ bắt đầu nhưng điều này cũng cho thấy ngành sản xuất lúa gạo Campuchia có thể gặp bất lợi, nhất là khi Ủy ban châu Âu (EC) đã áp thuế trở lại đối với lượng gạo nhập khẩu trị giá hàng triệu USD từ Campuchia vào ngày 18/1.
Việc EU thực hiện áp thuế trở lại với lúa gạo Campuchia trong vòng 3 năm tới đã đặt ra những thách thức to lớn cho lĩnh vực xuất khẩu gạo nước này. Theo các chuyên gia, tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nhiều với các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia sang EU, nếu khối này quyết định hủy bỏ ưu đãi thương mại “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA). Hiện tiến trình xem xét hủy EBA đã được bắt đầu từ ngày 12/2 và sẽ kéo dài trong 18 tháng.
Hồi tháng trước, ông Chan Sophal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thuộc Hiệp hội Kinh tế Campuchia (CEA), cho rằng nông dân trồng lúa của Campuchia sẽ phải cắt giảm chi phí sản xuất, thậm chí chuyển đổi hoàn toàn cây trồng của họ.
Một số chuyên gia khác cho rằng các nhà sản xuất gạo của Campuchia cũng nên mở rộng tìm kiếm thị trường mới ngoài EU. Nhưng trước mắt, châu Âu vẫn là thị trường quan trọng không thể thiếu của nước này.
Các số liệu mới được công bố cho thấy Campuchia xuất khẩu 59.625 tấn gạo trong tháng 1/2019, giảm đáng kể so với mức 62.623 tấn cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 40,7% số gạo Campuchia xuất khẩu trong tháng 1/2019 (tương ứng 23.899 tấn) là tới các thị trường Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Trung Quốc nhập khoảng 18.671 tấn, các nước ASEAN là 9.226 tấn và các thị trường còn lại khoảng 7.839 tấn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lúa gạo Campuchia Hun Lak cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá tình hình xuất khẩu lúa gạo của Campuchia. Ông nói: “Chúng tôi chưa thể nhận định gì ngay lúc này và cần chờ đợi diễn biến của tình hình trong 2 - 3 tháng tới. Tôi nghĩ rằng những khách hàng đã yêu thích hương vị gạo Campuchia sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm này vì thực tế giá mới chỉ tăng khoảng vài xu đôla Mỹ mỗi kilôgam”.