Cụ thể, lúc 14 giờ 30 phút, VN-Index đã mất hơn 22 điểm. Đến 14 giờ 43 phút, VN-Index mất hơn 28 điểm và chốt phiên, VN-Index đã mất gần 30 điểm (giảm gần 2%) và chạm ở mốc 1.471 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm gần 6 điểm xuống còn hơn 421 điểm.
Theo đó, toàn thị trường có 580 mã giảm điểm, 746 mã đứng giá và hơn 300 mã tăng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 961 triệu cổ phiếu, tương đương gần 29.779 tỷ đồng.
Các cổ phiếu góp phần đưa thị trường mất hơn 21 điểm phải kể đến các ông lớn ngành ngân hàng như: VNC, BID, CTG, TCB, VHM, MBB, VPB, HPG, HDB, STB. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu làm lực đỡ cho chỉ số tăng hơn 7 điểm là: GAS, SAB, VJC, DIG, MSN, PLX, EIB, VHC, HVN, VIC.
Trước đó, trong phiên sáng 14/2, VN-Index giảm 12,54 điểm, xuống mức 1.489,17 điểm; HNX-Index giảm 2,42 điểm, xuống mức 424,47 điểm. Độ rộng toàn thị trường kết phiên sáng nghiêng về bên bán với 553 mã giảm và 262 mã tăng. Trong rổ VN30, sắc đỏ đang áp đảo với 23 mã giảm, 6 mã tăng và 1 mã đứng giá.
Khối lượng giao dịch của VN-Index trong phiên sáng đạt 474 triệu đơn vị, với giá trị là 14,7 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 48,6 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt 1,4 ngàn tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, ngoài VHM và VRE, các cổ phiếu ngân hàng cũng xuất hiện nhiều trong top những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Trong đó, VCB và BID là hai mã dẫn đầu khi lấy đi hơn 4 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, GAS là mã có tác động tích cực nhất.
Với chỉ số HNX-Index, PVS và CEO đang là hai cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số HNX-Index. Ở chiều ngược lại, IDC, THD và IPA là những mã có tác động tiêu cực nhất.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, việc thị trường giảm sâu không nằm ngoài dự đoán và phân tích chỉ số. Bởi sau chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp tuần trước, VN-Index tỏ ra hụt hơi khi ghi nhận giảm điểm trong phiên cuối tuần.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, trong cuối tuần qua và đầu tuần này, thị trường không có thông tin nào tích cực để tạo động lực dẫn dắt tăng điểm đột biến trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, tâm lý hưng phấn sau Tết đã dần vơi đi, trong khi đó dòng tiền mới vào thị trường không còn phải quá ồ ạt như 2020 và 2021. Sự phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 sẽ là một câu chuyện dài giúp nhiều cổ phiếu được hưởng lợi. Theo đó, trong đầu tuần, thị trường khá yếu và dao động quanh mức 1.480 – vùng tích lũy trước Tết Âm lịch.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam, với phiên điều chỉnh trong tuần qua, khả năng cao áp lực điều chỉnh ngắn hạn vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, vào ngày 14/2, Fed sẽ tổ chức cuộc họp bất thường để đánh giá lại tình hình lạm phát và không loại trừ khả năng những thông tin bất ngờ về việc tăng lãi suất được đưa ra. Trước hai yếu tố trên, thị trường điều chỉnh giảm điểm, dòng tiền dự báo sẽ phân hoá mạnh giữa các nhóm ngành trong tuần tới.
Còn theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, khi VN-Index đánh mất ngưỡng 1.500 điểm thì vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số sẽ tại vùng 1.485-1.490 điểm.