Vàng và chứng khoán châu Á đi lên trong khi đồng USD suy yếu

Giá vàng châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều 24/1, áp sát mức cao trong bốn tháng đạt được trong tuần trước giữa bối cảnh chỉ số đồng USD hạ xuống mức thấp trong ba năm.

Vàng được bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/11/2012. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào lúc 14 giờ 15 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.342,3 USD/ounce.

Phiên này, đồng USD “rơi” chạm mức thấp trong bốn tháng so với đồng yen  khi thị trường xuất hiện lo lắng về lợi thế sinh lời của đồng bạc xanh sẽ bắt đầu giảm đi khi các ngân hàng trung ương lớn hướng đến việc “cởi trói” chương trình kích thích khổng lồ.

Theo đó, chỉ số đồng USD phiên này giảm xuống mức thấp nhất  kể từ phiên 31/12/2014. Đồng USD yếu đi làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền khác. 

Cụ thể, đồng USD đã giảm dưới mốc 110 yen lần đầu tiên kể từ tháng 9/2017, giao dịch ở mức 109,87 yen/USD so với mức 110,16 yen/USD trước đó trong cùng phiên và mức 110,32 yen/USD tại New York. 

Vì vậy, hoạt động bán tháo đồng USD vẫn tiếp diễn do các nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương lớn đang “cố gắng” đưa chính sách tiền tệ về mức tương tự với của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặt khác, đồng USD bị tác động chủ yếu do những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ khi các nhà đàm phán của nước này, Canada và Mexico khởi động vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới. 

Còn Richard Xu, nhà quản lý tại quỹ trao đổi vàng lớn nhất Trung Quốc HuaAn Gold, nhận định các nhà đầu tư toàn cầu hiện còn lo ngại về những cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng. Ngày 23/1, Mỹ quyết định áp mức thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu tấm pin năng lượng Mặt Trời và máy giặt, làm dấy lên nhiều phản ứng gay gắt  từ nhiều quốc gia.

Các thị trường hiện dự đoán, Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tháng 3/2018, được cho là sẽ tác động trực tiếp đến giá vàng, vốn nhạy cảm với diễn biến này.

Giá bạc phiên này gần như đi ngang ở mức 17,05 USD/ounce sau khi giảm chạm mức thấp trong ba tuần rưỡi 16,73 USD/ounce trong phiên trước. Giá bạch kim giảm 0,2% xuống 1.004,25 USD/ounce trong khi giá palladium giảm 0,1% xuống 1.093,15 USD/ounce. 

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm của đồng nội tệ Trung Quốc đã tăng phiên thứ tư liên tiếp. Theo Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc (CFETS), tỷ giá trung tâm của đồng NDT đang tăng 93 điểm cơ bản lên 6,3916 NDT/USD. Mức tăng này diễn ra sau khi đồng NDT tăng 103 điểm cơ bản lên 6,4009 NDT/USD hôm 23/1 và là lần đầu tiên tăng lên trên ngưỡng 6,4 NDT/USD kể từ ngày 7/12/2015. 

Kể từ đầu năm đến nay, đồng NDT đã tăng hơn 2% giá trị so với đồng USD. Theo Huang Zhilong, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Tài chính Suning, đồng NDT đã được tiếp thêm sức nhờ tăng trưởng ổn định và vững chắc của nền kinh tế. Kinh tế Trung Quốc đã tăng 6,9% trong năm 2017  và vượt mục tiêu tăng 6,5% của chính phủ. 

Đồng bảng Anh tiếp tục giao dịch trên mốc 1,4 USD/bảng, ghi nhận được hôm 23/1 do khả năng về một kịch bản Brexit “mềm” ngày một tăng. 1 bảng Anh đổi 1,4035 USD so với mức 1,4001 USD/bảng trước đó. 

Còn đồng euro ở mức cao của ba năm qua trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), vốn được cho là sẽ cung cấp thêm manh mối về quan điểm chính sách của thể chế này. Ngoài ra, niềm tin của giới đầu tư Đức vững mạnh cũng góp phần vào đà tăng của đồng euro. Một euro đổi 1,2315 USD so với mức 1,2300 USD/euro trước đó. 

*Trong một diễn biến khác, các thị trường chứng khoán châu Á
phần lớn tăng điểm trong phiên ngày 24/1 do làn sóng mua vào của các nhà đầu tư.

Điểm sáng nhất là sàn Hong Kong khi chỉ số Hang Seng phục hồi mạnh sau khi để mất điểm ở phiên sáng, để ghi dấu mức cao kỷ lục mới trong phiên tăng điểm thứ bảy lên tiếp trong bối cảnh các nhà đầu tư lạc quan về mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,08% (27,99 điểm) lên 32.958,69 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,37% (12,97 điểm) lên 3.559,47 điểm.

Chứng khoán Sydney và Singapore đều tăng 0,3%. Chỉ số Kospi của Seoul (Hàn Quốc) tăng 1,4 điểm (0,06%) lên 2.538,00 điểm. Các chỉ số chứng khoán Wellington, Mumbai, Bangkok và Kuala Lumpur cũng tăng điểm.

Tuy nhiên, chứng khoán Tokyo đóng phiên giảm điểm trong bối cảnh đồng yen mạnh đã gây sức ép cho các nhà xuất khẩu, một ngày sau khi chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức cao của 26 năm. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 0,76% (183,37 điểm) xuống 23.940,78 điểm.


K.Dung - Minh Hằng (Theo Reuters, AFP)
Vàng tăng giá, chứng khoán toàn cầu đậm sắc xanh
Vàng tăng giá, chứng khoán toàn cầu đậm sắc xanh

Giá vàng thế giới đi lên trong phiên ngày 23/1 khi đồng USD rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng ba năm. Trong khí đó, phần lớn thị trường chứng khoán trên toàn thế giới cũng tăng điểm khi giới đầu tư "thở phào nhẹ nhõm" sau việc Chính phủ Mỹ hoạt động bình thường trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN