Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.875,31 USD/ounce vào lúc 1 giờ 1 phút (sáng 12/6 theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng để mất 0,9% xuống mức 1.879,6 USD/ounce.
Một yếu tố tạo áp lực lên giá vàng trong phiên 11/6 là việc Chỉ số USD – thước đo sức khỏe của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - tăng 0,6%. Diễn biến này làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của công ty môi giới đầu tư TD Securities cho biết, giá vàng đã không thể vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce sau khi công bố các số liệu mạnh mẽ về thị trường việc làm phi nông nghiệp và giá tiêu dùng của Mỹ trong tuần này. Diễn biến đó cho thấy dòng tiền chảy vào các kênh phòng ngừa rủi ro lạm phát đang chậm lại, tương tự như với dòng tiền đổ vào vàng vật chất.
Do đó, chuyên gia Ghali nhận định thị trường vàng sẽ trải qua một đợt giảm giá ngắn hạn xuống mức 1.850 USD/ ounce. Song về trung hạn, giá kim loại quý này vẫn được hỗ trợ bởi các chính sách ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong khoảng thời gian nhất định.
Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần giao dịch nhiều trầm hơn thăng.
Mở đầu tuần mới trong phiên 7/6, giá vàng thế giới tăng 0,3% chủ yếu do đồng USD trượt giá. Giới đầu tư cũng tỏ ra thận trọng khi chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ để nắm được khi nào Fed có thể bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Sang phiên 8/6, giá vàng lùi hay 0,23% khi chịu sức ép của các số liệu tích cực của kinh tế Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 4/2021 giảm 8,2% xuống 68,9 tỷ USD, thấp hơn mức ước tính trước đó và giảm so với mức 75 tỷ USD trong tháng Ba. Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ cho biết các nhà sử dụng lao động đã tạo ra 9,3 triệu việc làm trong tháng Tư.
Giá vàng phiên 9/6 tiếp tục giảm 0,1% khi các nhà giao dịch thận trọng chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ. Theo giới phân tích, các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn có lợi cho vàng vì Fed dường như vẫn giữ nguyên quan điểm rằng xu hướng lạm phát hiện tại chỉ là nhất thời. Do đó, ngân hàng trung ương này có khả năng vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới.
Chốt phiên 10/6, giá vàng nhích thêm 0,05% sau khi báo cáo cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng nhanh nhất kể từ năm 2008, khi các nhà cung cấp "vật lộn" để theo kịp với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Song Fed vẫn cho rằng diễn biến lạm phát hiện nay là tạm thời, do đại dịch gây ra các vấn đề về nguồn cung và sẽ giảm trong những tháng tới.
Với mức giảm khá lớn trong phiên cuối tuần 11/6, giá vàng thế giới đã giảm 0,7% trong cả tuần giao dịch qua.
Giới đầu tư hiện đang chú ý đến cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 15-16/6 của Fed vào tuần tới.
Dù báo cáo mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng mạnh trong tháng Năm, các nhà phân tích cho rằng mức tăng đột biến này có thể chỉ "nhất thời". Vì vậy những lo ngại về khả năng Fed thắt chặt chính sách đã giảm bớt.
Theo nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA, kỳ vọng Fed đi theo kịch bản “lạm phát chỉ mang tính nhất thời" là rất cao. Tuy nhiên, những sự cải thiện gần đây của thị trường lao động và tình trạng lạm phát "nóng" làm tăng khả năng chính sách của Fed sẽ bớt ôn hòa hơn.
Trong khi đó, ông Jeff Klearman, người phụ trách danh mục đầu tư tại công ty tư vấn tài chính GraniteShares cho hay phản ứng đối với lạm phát của Fed sẽ hỗ trợ giá vàng theo hai hướng.
Thứ nhất, khi Fed tích cực tìm cách duy trì lãi suất thực ở mức rất thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng sẽ giảm bớt, trong khi lo ngại về sự mất giá của đồng USD lại gia tăng.
Thứ hai, phản ứng của Fed cũng làm tăng lo ngại về lạm phát vượt quá kỳ vọng của ngân hàng trung ương này và làm tăng thêm nhu cầu về vàng như một khoản đầu tư “trú ẩn an toàn”.