Cơ hội có
Có thể thấy, mặc dù vàng trang sức thế giới và Việt Nam có sự biến động trong thời gian gần đây, nhưng nhu cầu mua sắm vàng nữ trang là có thật chứ không phải là đầu cơ. Nguyên nhân do người Việt Nam thích mua vàng làm đẹp, hoặc cho việc cưới xin, cao hơn nữa là thể hiện đẳng cấp. Theo thông tin của Hội đồng Vàng thế giới, năm 2015 người Việt Nam sử dụng 31 tấn nữ trang vàng, riêng TP.HCM sản lượng nữ trang ước đạt 2,5 triệu sản phẩm/năm. Cũng theo Hội đồng Vàng thế giới, ước tính trong năm 2016 lượng vàng tiêu thụ toàn thị trường trong nước sẽ vượt 80 tấn.
Vàng nữ trang trong nước vẫn yếu về mẫu mã để có thể cạnh tranh khi xuất khẩu. |
Với thị trường xuất khẩu, chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định cũng có nhiều cơ hội, bởi khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu thuế suất còn 0%. Đặc biệt tới đây, khi hiệp định TPP đi vào thực thi, ngoài thuế suất xuất, nhập khẩu được ưu đãi thì thị trường xuất khẩu vàng nữ trang của Việt Nam cũng được mở rộng từ các nước ASEAN sang các nước châu Âu.
Để tạo điều kiện cho vàng nữ trang xuất khẩu được thuận lợi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2016/NĐ - CP, cho phép trang sức bằng vàng chịu thuế suất 0% từ ngày 1/9/2016. Cụ thể, mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.15) được áp dụng mức thuế xuất khẩu 0% nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng có thương hiệu, tên tuổi và uy tín trong nước chỉ chiếm trên đầu ngón tay, như SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu... còn lại là hơn 10.000 DN kinh doanh vàng, nhỏ lẻ. Do đó, vàng nữ trang cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu không phải là chuyện dễ dàng.
TS Bùi Quang Tín cho hay, từ đầu năm đến nay doanh số xuất khẩu vàng nữ trang của Việt Nam chỉ khoảng 700 triệu USD, rất thấp so với thời đỉnh điểm 2010, 2011 với doanh số xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD, tức là giảm 2,3 tỷ USD. Lý do là các DN nước ngoài làm nữ trang rất chuyên nghiệp, họ đầu tư rất lớn về công nghệ và thiết kế để đưa ra những mẫu mã đặc sắc, luôn luôn mới. Trong khi đó, DN Việt Nam vẫn yếu khâu này nên khó có thể cạnh tranh về mẫu mã với những đối thủ nước ngoài. Mặt khác, về tiềm lực tài chính của DN của nước ngoài cũng rất lớn, bởi tự thân DN đó không chỉ kinh doanh về mặt hàng nữ trang mà họ còn kinh doanh đa ngành, đa nghề và hỗ trợ nhau nên nữ trang của các DN này bán rất rẻ. Những món hàng nữ trang qua mùa sẽ được giảm giá mạnh, còn những mẫu nữ trang mới và độc quyền lại bán rất đắt để bù lại những mẫu mã khác đang được bán rẻ. Vì vậy, khi vàng nữ trang Việt Nam xuất khẩu sang các nước này khó “có cửa” để cạnh tranh với họ.
Cạnh tranh ngay trên sân nhà
Bên cạnh những khó khăn về tiềm lực, thì việc trợ giúp của các Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng như TP.HCM, hay các trung tâm xúc tiến thương mại, VCCI vẫn chưa mạnh mẽ trong việc tìm hiểu đối thủ cũng như mở ra các thị trường mới để giúp DN vàng nữ trang trong nước xuất khẩu. Trên thực tế, những thị trường như Thái Lan, Singapore và đặc biệt Trung Quốc, DN vàng Việt Nam cũng không đủ sức để thâm nhập chứ chưa nói gì đến cạnh tranh. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), thừa nhận năm nay tình hình xuất khẩu vàng trang sức của PNJ giảm mạnh, ngay cả các nước khu vực ASEAN công ty cũng không thể xuất hàng vào.
Trong khi đó, các thị trường khác đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, Thái Lan xuất khẩu nữ trang hàng năm ở vào khoảng 3 tỷ USD, dù không nhiều như hàng Trung Quốc nhưng các sản phẩm Thái Lan đã bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt. Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tín, việc các đối thủ kinh doanh vàng nước ngoài đang thăm dò thị trường vàng Việt Nam cũng chỉ mới qua hình thức sản xuất, hoặc qua phân phối hàng hóa xuất khẩu cho một công ty độc quyền chứ chưa phải mở các chuỗi cửa hành hay thành lập các công ty tại Việt Nam, hoặc thông qua hình thức mua bán sáp nhập giống như các đơn vị bán lẻ khác... Vì thế, DN vàng Việt Nam vẫn chưa bị “choáng ngợp” trước các đối thủ cạnh tranh đến từ nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN. “Nhưng nếu DN sản xuất, kinh doanh vàng trong nước không có sự chuẩn bị cũng như nâng cao tiềm lực, đầu tư công nghệ, thiết kế để đưa ra những mẫu mã đặc sắc, thì trong tương lai không xa DN vàng Việt Nam sẽ bị thua ngay trên sân nhà”, TS Tín cảnh báo.
Ngoài ra, một rào cản nữa mà theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, đó là thuế xuất khẩu vàng nữ trang giảm còn 0% từ ngày 1/9/2016 nhưng chỉ dành cho vàng có hàm lượng thấp. Với sản phẩm có hàm lượng vàng từ 95% trở lên thì thuế suất lại bị nâng lên 2% (từ năm 2015). Với mức thuế suất này, các doanh nghiệp Việt cũng khó cạnh tranh bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... đang có rất nhiều lợi thế hơn do thuế xuất khẩu bằng 0%, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, hoặc được tự do nhập khẩu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn...