Tìm hướng xuất khẩu vàng nữ trang

Theo Thông tư 36/2015/TT - BTC, bắt đầu từ ngày 7/5 các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng khác có hàm lượng vàng từ 95% trở lên sẽ phải chịu thuế xuất khẩu 2%, thay vì 0% như hiện tại.

Với quy định này, việc xuất khẩu vàng nữ trang Việt Nam vốn đã không phải là thế mạnh, nay còn khiến DN thờ ơ hơn do không thể cạnh tranh với vàng nữ trang nước ngoài.

Quanh quẩn “sân nhà”

Các DN kinh doanh vàng nữ trang hiện nay dù rất mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, thay vì chỉ quanh quẩn thị trường trong nước, thế nhưng, việc đẩy mạnh xuất khẩu vàng nữ trang vẫn gặp nhiều vướng mắc. Khó khăn lớn nhất chính là giá vàng nữ trang Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới.

DN kinh doanh vàng nữ trang thờ ơ với thuế xuất khẩu 2%.


Thực tế hiện nay, DN kinh doanh vàng không chủ động được nguyên liệu do không được nhập khẩu nguyên liệu vàng trực tiếp. Các DN thường phải mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường trong nước với giá cao. Chưa kể, chất lượng vàng lâu nay vẫn thả nổi, vàng “ăn gian tuổi” tồn tại khá phổ biến. Vì vậy sản phẩm vàng nữ trang Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Chính vì đầu vào khó, nhiều DN vàng nữ trang chỉ quanh quẩn trên sân nhà. Nhiều DN kinh doanh vàng cho biết, thị phần này còn hấp dẫn hơn khi “đánh” ra sân ngoài. Theo tính toán của các chuyên gia vàng, mỗi lượng vàng nữ trang bán ra, các DN vàng có thể thu lãi 1 - 1,5 triệu đồng. Chưa kể, các DN vàng nhỏ lẻ, không thương hiệu, ăn gian tuổi vàng thì lãi có thể lên tới 2 - 2,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, dù kinh doanh vàng miếng bị thất thu, nhưng DN bán lẻ vàng nữ trang vẫn liên tục tăng trưởng doanh thu nhờ chuyển hướng mạnh sang vàng nữ trang. Chẳng hạn PNJ đã có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn khi hướng mạnh vào thị trường này. Số liệu công bố tại đại hội đồng cổ đông năm 2015 của PNJ cho thấy, thị phần bán lẻ nữ trang của PNJ đã tăng từ mức 14% năm 2013 lên 21% năm 2014.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho rằng Thông tư 36/2015/TT - BTC chỉ nhằm ngăn chặn hiện tượng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình vàng trang sức mà thôi. Tuy nhiên, vàng trang sức xuất khẩu phần lớn có hàm lượng 75%, rất hiếm vàng trang sức có hàm lượng 95 - 99%. Vì vậy, đối tượng chịu điều chỉnh của Thông tư 36/2015/TT - BTC là rất hẹp.

Tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ngành vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn nữa. Chính vì thế, nếu DN vàng không cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng cũng như không hướng đến xuất khẩu thì sớm muộn gì DN vàng trong nước cũng sẽ dần bị đào thải.

Hiện chỉ có 3 công ty xuất khẩu vàng nữ trang là PNJ, SJC và DOJI, nhưng xuất khẩu của 3 công ty này cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu của DN. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm năm 2014 chỉ đạt hơn 0,67 tỷ USD.

Đón đầu vấn đề này, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, cho biết, hiện công ty đang nhập khẩu máy móc thiết bị từ châu Âu để sản xuất các sản phẩm trang sức của Italy, từ đó dần thay thế 60 - 70% lượng trang sức nhập từ Italy trong cơ cấu bán hàng của PNJ đến cuối năm nay và nhắm tới xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải DN vàng nào cũng đi trước đón đầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu NHNN cho phép DN vàng nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng thời các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng vàng nữ trang chặt chẽ, các DN trong nước sẽ dần lấy lại được lợi thế cạnh tranh, hướng ra xuất khẩu.

Theo đó, nên có một biểu thuế đối với việc nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng thời áp dụng mức thuế suất chung cho việc nhập khẩu vàng nguyên liệu là từ 0,3 - 0,5% (hiện nay đang là l%).

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh mỹ nghệ, kim hoàn, vàng bạc đá quý thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nếu làm được như vậy, Nhà nước sẽ đạt được 4 thành công lớn: Thứ nhất là, khi giảm thuế nhập khẩu thì DN mới đẩy mạnh được xuất khẩu, theo đó thu thuế Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu vàng chắc chắn sẽ tăng; thứ hai, số lượng các DN vàng bạc đá quý Việt Nam tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ tăng gấp bội và thu được lợi nhuận lớn hơn, giải quyết một lượng lớn lao động thủ công. Các DN cũng phát triển tốt hơn để từng bước có thể hội nhập và cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khu vực; thứ ba, việc này sẽ góp phần đắc lực chống tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới, số vàng xuất nhập lậu sẽ giảm xuống, nhờ đó Nhà nước thu được một lượng lớn ngoại tệ.

Bài và ảnh: Hải Yên



Tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức
Tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức

Từ ngày 7/5, thuế suất thuế xuất khẩu vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng sẽ tăng từ 0% lên 2%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN