Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – kinh tế, nguyên nhân giá vàng SJC điều chỉnh tăng do ảnh hưởng trực tiếp từ đà đi lên của vàng thế giới, nhờ vậy chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được rút ngắn.
Ngoài ra, thời điểm cận Tết, giao dịch vàng trong nước cũng trở nên sôi động hơn. Có thể thấy tuần qua, giá vàng Bảo Tín Minh Châu mở phiên đầu tuần (ngày 21/1) là 36,62 – 36,69 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), đến ngày 26/1 đã tăng hơn 110.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Tương tự, thương hiệu vàng Doji mở phiên đầu tuần (21/1) ở mức 36,62 – 36,70 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra) và đến ngày 26/1, giá niêm yết ở mức 36,73 – 36,85 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy, trong tuần này, vàng Doji tăng 110.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Với thương hiệu vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh, giá mở cửa ngày 21/1 là 36,52 – 36,70 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), đến cuối tuần (ngày 26/1) giá tăng lên ở mức 36,63 – 36,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 110.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 130.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Với thị trường thế giới, giá vàng giao kỳ hạn đóng cửa trên ngưỡng 1.300USD/ounce, mức cao nhất tính từ tháng 6/2018 khi đồng USD giảm giá. Chuyên gia tài chính – chứng khoán Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư thuộc Công ty chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), cho biết đây là ngưỡng mà giới tài chính đánh giá sẽ đẩy giá vàng vào thị trường con bò tót (bull market). Điều này nhiều khả năng thúc đẩy nhu cầu vàng gia tăng, đồng thời kích hoạt các lệnh mua tự động trong dài hạn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Khánh, điều tệ hơn là nếu mốc này tiếp tục vượt ngưỡng và duy trì hết tháng 1, thậm chí quý I thì những dòng tiền của các thị trường khác và cả các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân cũng sẽ khó đứng ngoài.
“Điều này ngày càng hiện hữu khi theo WGC- Hội đồng vàng thế giới, các Ngân hàng Trung ương (NHTW) đã mua vàng rất mạnh trong năm 2018. Số liệu của NHTW Nga thì nước này mua vàng đứng đầu thế giới với gần 302 tấn, vươn lên top 5 quốc gia dự trữ vàng. Trung Quốc cũng đã mua vàng trở lại sau 2 năm đứng ngoài. Ngoài ra, SPDR Gold Trust - một NĐT cấp 8 và là Quỹ đầu tư ETF lớn nhất thế giới đã không còn thông báo số lượng mình nắm giữ trên website, là động thái cho thấy họ đang gom sản phẩm này”, chuyên gia Khánh chia sẻ.
Với diễn biến hiện tại, nhiều nhà đầu tư vàng kỳ vọng kim loại quý sẽ có thêm nhiều bước chuyển biến, tạo sự hấp dẫn cũng như tâm lý ổn định hơn cho thị trường vàng. Có thể thấy thị trường vàng trong nước, mặc dù vàng tăng mạnh trong tuần qua, nhưng lượng người mua chiếm đến 70%, trong khi bán ra chỉ khoảng 30%.
Nhà chiến lược Soni Kumari của ngân hàng ANZ cho biết, nguyên nhân vàng trở nên hấp dẫn trở lại do những bất ổn về kinh tế và địa chính trị, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “dịu giọng” hơn về lộ trình nâng lãi suất, cùng với việc đồng USD yếu đi tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh cũng nhận định, có thể sau 8 năm vàng "im hơi lặng tiếng", chứng khoán, bất động sản, tiền ảo… là các kênh được các NĐT lựa chọn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các kênh này có dấu hiệu “bong bóng”, lên quá nhanh và quá cao, thậm chí những sản phẩm giá trị còn quá mơ hồ như Bitcoin đều bị đẩy giá lên với tốc độ không tưởng, vượt quá những lý do thông thường. Theo đó, các NĐT đã bắt đầu chuyển sang các sản phẩm khác hiện hữu, dễ cất giữ, di chuyển, trong đó có vàng.