Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu

Ngày 14/10, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) thuộc Bộ Tài chính cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) của các địa phương đã tăng đáng kể so với các tháng trước nhờ có các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ, địa phương. 

Chú thích ảnh
Hội nghị trực tuyến ngày 14/10 với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020. Ảnh: Đ.Minh

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Xuân Thảo, tổng giải ngân vẫn thấp hơn so với dự toán năm 2020. Cụ thể: Tháng 9/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA của các địa phương tăng 8% so với tháng 8/2020. Tổng giải ngân 9 tháng năm 2020 vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân đạt 32,43%.

Dự toán vốn nước ngoài được giao từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương năm nay là 38.484 tỷ đồng. Số các địa phương đã phân bổ và nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) tính đến ngày 30/9 đạt 97% dự toán (vốn cấp phát), tăng 6,6% so với thời điểm ngày 31/8. Trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả lại ngân sách Trung ương chiếm 11,73% dự toán.

Cũng theo bà Thảo, hiện nay đã có 60/62 địa phương được giao dự toán vốn vay nước ngoài đã nhập và phân bổ trên 50% dự toán được giao trên Tabmis, trong đó 43/62 địa phương đã nhập Tabmis 100%, tăng so với thời điểm ngày 31/8 là 18 địa phương. Trong số dự toán trên, số dự toán vay lại các địa phương xác nhận sẽ không sử dụng tính đến ngày 30/9/2020 chiếm 6,48% dự toán. Tính đến ngày 30/9, số giải ngân đạt tỷ lệ 33% so với dự toán được giao, tăng thêm 11,2% so với thời điểm 31/8.

Tỷ lệ giải ngân chung nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương từ nguồn ODA theo phương thức ghi thu ghi chi (bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và Trung ương cho vay lại) là 30,4% dự toán được giao.

Theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn thấp là do chưa có khối lượng cho giải ngân. Vấn đề này xuất phát từ các nguyên nhân như dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước như: Chưa hoàn thành giải phóng mặt băng, phê duyệt các hợp đồng; đấu thầu của nhiều dự án được triển khai chậm, một số dự án có khiếu kiện trong quá trình đấu thầu.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, và các yếu tố khó khăn khách quan khác dẫn đến phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân. Trong khi đó, các thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay được thực hiện chậm trễ, chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân…

Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các vấn để còn vướng, còn chưa rõ về chính sách, các Bộ, ngành cần sớm có ý kiến với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp. Đối với số kế hoạch vốn 2020 đã đề nghị cắt giảm, điều chuyển cho các bộ, địa phương khác, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành xác định rõ là, cắt giảm của dự án nào, dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020. Dự án nào chỉ giải ngân được một phần để bổ sung kể hoạch vốn bố trí cho dự án đó ngay vào kế hoạch vốn đầu tư 2021. Từ đó, đảm bảo dự án có đủ kinh phí để thực hiện theo thời gian và tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ tại các hiệp định vay nước ngoài.

Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và phối hợp với cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký kết. Đồng thời, hoàn thành thủ tục hiệu lực của Hiệp định vay, điều chỉnh  Hiệp định vay (nếu có); ký hợp đồng cho vay lại, rà soát đẩy nhanh tiến độ các việc liên quan đến giải ngân và trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân. 

Minh Phương/Báo Tin tức
IMF: Đầu tư công đóng vai trò then chốt trong phục hồi hậu COVID-19
IMF: Đầu tư công đóng vai trò then chốt trong phục hồi hậu COVID-19

Đầu tư công nên đóng vài trò trung tâm trong giai đoạn phục hồi ở cả các kinh tế mới nổi và phát triển sau thời gian suy giảm vì tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là nhận định mới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trước thềm các cuộc họp mùa Thu của tổ chức này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN