Khép lại phiên giao dịch 4/12, giá dầu Brent tăng 54 xu lên 49,25 USD/thùng sau khi đạt ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020 là 49,92 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI cũng cộng thêm 62 xu lên 46,26 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,7% trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 1,9%.
Trước đó, giá dầu thế giới đã đi xuống trong phiên giao dịch 30/11 trước sự thiếu chắc chắn về khả năng các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới đồng ý mở rộng chương trình cắt giảm sản lượng tại các cuộc đàm phán. Đến phiên 1/12, giá dầu tiếp tục xu hướng giảm sau khi các nhà sản xuất dầu mỏ hoãn lại cuộc họp chính thức để quyết định xem có điều chỉnh sản lượng "vàng đen" vào tháng 1/2021 hay không.
Sự đảo chiều xuất hiện trong phiên 2/12 giữa bối cảnh việc nước Anh thông qua vắc-xin ngừa COVID-19 đã làm tăng hy vọng về nhu cầu năng lượng phục hồi và đồn đoán ngày càng tăng về việc các nước sản xuất dầu sẽ duy trì giới hạn sản lượng vào năm 2021. Xu hướng tăng tiếp tục được duy trì trong các phiên giao dịch còn lại của tuần qua, trước thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gồm có Nga (còn được gọi OPEC+), ngày 3/12 đã nhất trí tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn từ tháng 1/2021 tới lên thêm 500.000 thùng/ngày, dù không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn hơn trong thời gian còn lại của năm tới.
Sự điều chỉnh này có nghĩa là OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày - tương đương 7% nhu cầu toàn cầu - từ tháng 1/2021, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Các biện pháp hạn chế đang được thực hiện để đối phó với tình trạng sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc tăng sản lượng dầu dù ở mức khiêm tốn có thể đẩy thị trường rơi vào tình trạng dư cung. Công ty phân tích Wood Mackenzie cho hay nếu tình trạng này tiếp diễn đến hết tháng Ba năm sau, thị trường sẽ dư cung đến 1,6 triệu thùng dầu/ngày trong quý đầu tiên của năm mới.
Giá dầu đã tăng khoảng 27% trong tháng 11/2020, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 5/2020, nhờ những hy vọng rằng loại vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ giúp phục hồi hoạt động kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách các hợp đồng năng lượng tại Mizuho ở New York, cho biết: “Giá dầu đang được giao dịch ở mức cao bất chấp các yếu tố tiêu cực - tất cả là nhờ vào những kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới”.
Mặc dù vậy, mới đây Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021, dù có nhiều thông tin lạc quan trong việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19.
Mức giá dầu dự báo của Fitch Ratings đưa ra thấp hơn gần 9% so với kết quả dự báo do tổ chức Refinitiv Eikon thực hiện. 36 chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Refinitiv Eikon dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 49,35 USD/thùng trong năm tới, và 50 USD/thùng là mức giá dầu dự báo phổ biến nhất. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo giá dầu quốc tế chuẩn sẽ ở mức 46,59 USD/thùng.
Quan chức cấp cao của Fitch Ratings Dmitry Marinchenko cho hay tổ chức này đang thận trọng hơn với các dự báo về giá dầu. Ông cho hay Fitch Ratings dự đoán giá dầu Brent sẽ ở mức 45 USD/thùng trong năm 2021, với nhận định cho rằng nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm phòng ngừa COVID-19 có thể không diễn ra nhanh chóng như mong đợi.