TP Hồ Chí Minh: Giá thực phẩm chưa giảm theo giá xăng

Ngay khi giá xăng dầu "phi mã", hàng loạt mặt hàng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh như rau củ, trứng, gia vị, gạo, dầu ăn… đều tăng theo. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu đã giảm sâu, thì hàng hóa thiết yếu vẫn chưa hề có "động thái" hạ nhiệt nào.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mong muốn giá rau củ quả giảm theo giá xăng để giảm các chi tiêu hàng ngày. 

Vẫn ở mức cao

Ghi nhận tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh như chợ Tân Định (Quận 1), chợ Bàn Cờ (Quận 3), Phước Bình (thành phố Thủ Đức)…, hàng loạt mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn đang ở mức cao. Cụ thể, giá thịt lợn tăng từ 10.000 -20.000 đồng/kg, giá rau xanh tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg, giá các loại hải sản tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg, giá các loại trứng tăng từ 3.000 - 6.000 đồng/quả…

Theo chị Võ Nguyệt Linh, tiểu thương tại chợ Phước Bình, khoảng một tuần nay, giá thịt lợn bán ra đang tăng cao. Thịt lợn ba rọi từ mức 120.000/kg lên 140.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn lên mức 160.000 đồng/kg, sườn non 180.000-200.000 đồng/kg…

“Thịt lợi tăng cao là do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nguồn cung thịt thiếu hụt do nông dân đang hạn chế tái đàn. Theo đó, giá thịt lợn hơi đang tăng ở mức 64.000-74.000 đồng/kg”, chị Võ Nguyệt Linh nói.

Chú thích ảnh
Giá rau xanh tăng cao do phụ thuộc vào giá vận chuyển, tính chất mùa vụ và thời tiết thất thường.

Theo các tiểu thương bán rau xanh tại các chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh, giá rau xanh cũng đã tăng 5.000 -7.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, rau cải xanh giá 22.000 đồng/kg, rau muống 20.000 đồng/kg, rau mồng tơi 25.000 đồng/kg, các loại rau gia vị 25.000 đồng/kg, khoai tây 60.000 đồng/kg… Ngay cả thực phẩm thiết yếu tiêu dùng như chai dầu ăn Cooking loại 1 lít từ 63.600 đồng/chai lên 71.500 đồng/chai, nước mắm 60.000 đồng/chai nay tăng lên 75.000 đồng/chai…

 

Chú thích ảnh
Giá thịt lợn đang tăng cao tại các chợ truyền thống của TP Hồ Chí Minh.
Thông thường, doanh nghiệp hay nhà cung cấp hàng hóa muốn tăng giá sản phẩm đều phải đề xuất với Sở, ngành, các hệ thống bán lẻ và mất vài tháng để siêu thị cân nhắc, tính toán có tăng giá hay không. Vì vậy, việc điều chỉnh giá hàng hoá theo giá xăng không thể làm ngay như kỳ vọng của người dân.

Cần nhiều yếu tố tác động

Theo các nhà bán lẻ lớn tại TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân các mặt hàng thiết yếu chưa thể giảm ngay do các đơn vị chưa nhận được thông báo giảm giá sản phẩm hàng hóa từ các nhà cung cấp. Mặc dù 2 tuần gần đây, giá xăng dầu đã giảm, nhưng thực tế mức giá giảm này chưa đủ mạnh để các nhà cung cấp hàng hóa cho siêu thị kéo giá thực phẩm thiết yếu giảm ngay.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, giá xăng dầu mới đây giảm nhưng chưa đủ mạnh để kéo giá thành sản phẩm giảm trở lại vì trước đây, doanh nghiệp dù có điều chỉnh tăng vẫn chưa tính hết vào giá thành. Mặt khác, gần đây mới chỉ có mỗi giá xăng dầu giảm, trong khi mặt bằng giá của các nguyên liệu, chi phí đầu vào, logistics, vận chuyển… vẫn chưa giảm giá.

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thực phẩm Thủ Đức cho biết, so với mức giá xăng tăng từ đầu năm thì hiện nay mức giảm  vẫn chưa tác động nhiều đến giá thực phẩm. Nguyên nhân vì trước đó, các tiểu thương, nhà xe đều cố gắng cầm cự trong thời gian khá dài.

“Sau nhiều đợt tăng giá xăng dầu, chúng tôi có trao đổi với các nhà xe, họ cho biết vẫn đang đàm phán với tiểu thương để được tăng cho phù hợp. Do đó, hiện nay giá xăng dầu vừa giảm xuống thì giá cả không thể giảm ngay được. Ngoài ra, giá cả hàng rau củ quả biến động còn do yếu tố mùa vụ, thời tiết chứ không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Chẳng hạn, thời điểm này một số mặt hàng như ớt, cà chua, xà lách… bị hư hại do mùa mưa, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, giá cả tăng cao nhưng chỉ xảy ra trong ngắn hạn”, ông Nguyễn Phương Bình chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị do các siêu thị luôn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Minh (Bidrico) lý giải, chưa thể thiết lập mặt bằng giá mới khi giá xăng dầu vừa giảm ngay vì còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví dụ với một quán ăn, khi nào tất cả các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, giá gas, nhân công… cùng giảm thì chủ quán mới có thể điều chỉnh giảm theo.

"Chúng tôi hy vọng, sắp tới xăng dầu tiếp tục giảm và mức giảm của xăng dầu phải đủ mạnh mới tác động kéo giá hàng hóa thiết yếu giảm theo”, ông Nguyễn Đặng Hiến nói.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, trong cơ cấu giá thành, sản phẩm của công ty xăng dầu chiếm tỷ lệ nhỏ, logistics chiếm 15-20%. Trong khi đó, từ đầu năm giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục và mới nhất ngày 11/7, đây là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm trứng gia cầm nên ngoài thị trường.

“Trước đó, do tác động của dịch bệnh, đa số hộ nông dân thu hẹp quy mô chăn nuôi nên nguồn cung trứng gia cầm cũng đang hạn chế, không chỉ thế quy mô các trang trại liên kết với công ty lớn cũng đã giảm 50%, hiện vẫn chưa phục hồi. Những lý do trên khiến giá trứng gia cầm đang tăng. Vì vậy, để doanh nghiệp sản xuất, cung ứng điều chỉnh giá giảm ngay theo giá xăng giảm thì cần thêm một thời gian nữa", ông Trương Chí Thiện giải thích thêm.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023
Xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN