Tại Ấn Độ, nhiều người bán thức ăn ven đường đã cắt giảm sử dụng dầu cọ và chuyển sang bán những món luộc, hấp. Các thợ làm bánh ở Ivory Coast lại muốn giảm kích cỡ bánh mì baguette để tránh phải tăng giá bán. Bánh kẹp sandwich ở các hệ thống đồ ăn nhanh của Mỹ bị giảm bớt số miếng thịt xông khói, trong khi bánh pizza bị giảm lượng xúc xích.
Với việc nền kinh tế thế giới vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và nay lại tiếp tục chịu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá cả của các mặt hàng thiết yếu như bánh mì, thịt và dầu ăn đã tăng vọt trên toàn cầu, tạo thành những cơn rung chấn khắp các thị trường hàng hóa cũng như gây tổn hại cho hệ thống lương thực toàn cầu.
Đối với các xã hội dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như Yemen phải nhập khẩu 90% nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong bối cảnh xung đột bùng phát và đồng tiền mất giá, nguy cơ xảy ra nạn đói vẫn luôn hiện hữu. Ở những nơi khác, các nhà kinh tế học lại bày tỏ lo ngại về sự phá hủy nhu cầu – hiện tượng xảy ra khi hàng hóa trở nên quá đắt đỏ.
Julian Conway McGill, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại công ty tư vấn LMC International nói: “Các tủ bếp sẽ trống trơn còn người tiêu dùng thì giảm nhu cầu tiêu thụ”.
Tại các hộ gia đình cũng trong ngành dịch vụ ăn uống, dầu thực vật là mặt hàng không thể thiếu. Nó được sử dụng để chiên mì ăn liền, giữ cho bánh mềm ẩm. Các nhà xuất khẩu dầu ăn vài năm gần đây đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân công và thời tiết xấu. Sau này, xung đột tại Ukraine lại càng gây xáo trộn thương mại nông sản toàn cầu và đẩy giá của hai loại dầu ăn phổ biến nhất là dầu cọ và đậu nành lên mức kỷ lục.
Các chính phủ đang bắt đầu vào cuộc để kiểm soát tình hình, chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu, đặt mức giá trần và cấm tích trữ hàng hóa. Nhưng khi chi phí tăng cao ảnh hưởng rõ rệt đến hóa đơn tiêu dùng cũng như thời điểm mùa lễ hội ở châu Á đến gần, người dân buộc phải thu hẹp danh sách chi tiêu.
Người bán quầy thức ăn rong Raju Sahoo, 48 tuổi, tại bang Odisha miền Đông Ấn Độ đã giảm một nửa lượng tiêu thụ dầu cọ hàng ngày còn 15kg, bằng cách bán ít món chiên rán, thay vào đó là món hấp. “Giờ tôi làm 300 – 400 cái bánh bao chiên mỗi ngày, trước đây là 1.000 cái. Tôi bắt đầu làm thêm bánh gạo hấp và bánh ngọt để khách hàng lựa chọn”, ông Sahoo nói.
Tình trạng thiếu dầu ăn đã trở nên ngày càng trầm trọng từ năm ngoái. Tại Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ số hai thế giới - sản lượng bị giảm mạnh do thiếu hụt lao động triền miên. Sau đó, hạn hán đã tàn phá vụ mùa cải dầu ở Canada và giảm sản lượng đậu tương ở Brazil và Argentina. Các nhà nhập khẩu đang phải trông cậy vào nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine và Nga, cùng chiếm khoảng 75% xuất khẩu của thế giới, thì cuộc khủng hoảng hiện nay đã chấm dứt tia hy vọng đó.
Thị trường vẫn luôn phản ứng nhạy bén theo tình hình tại Ukraine. Giá 4 loại dầu ăn chính đều tăng mạnh. Điều này sẽ giáng tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, phải chịu chi phí cao hơn cho mọi thứ, từ kẹo đến sô cô la. Chuyên gia McGill cho biết khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á sẽ đối mặt với khả năng đói nghèo gia tăng và hiện tượng phá hủy nhu cầu có thể đột ngột xuất hiện khi các công ty sử dụng ít dầu hơn hoặc thu nhỏ quy mô sản phẩm.
Ví dụ, Tổ chức Những người làm bánh ở Ivory Coast đang tìm cách giảm trọng lượng của bánh mì baguette – sản phẩm được ấn định giá theo luật - vì giá lúa mì tăng. Tổ chức này đề xuất bánh sẽ nặng 150 gram thay vì 200 gram như tiêu chuẩn.
Theo Brice Dunlop, nhà phân tích ngành thực phẩm và đồ uống tại Fitch Solutions, những biến động như vậy có thể dẫn đến bất ổn xã hội, đặc biệt là ở Ấn Độ. Ông nói: “Ấn Độ lâu nay vẫn chịu bất ổn liên quan đến tình trạng thiếu hụt các loại thực phẩm chính và dầu thực vật là thành phần không thể thiếu trong nhiều món ăn Ấn Độ”.
Cuộc chiến tại Ukraine cũng đang gây sức ép lên giá phân bón. Điều này sẽ chỉ khiến thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Nông dân Zilto Donadello ở Brazil – quốc gia sản xuất đậu tượng lớn nhất thế giới - có kế hoạch cắt giảm lượng phân bón từ 30% đến 50% trong vụ đậu tương tiếp theo, do đó năng suất thấp từ trang trại rộng 400 ha của ông ở miền bắc Mato Grosso có thể sẽ giảm xuống. Tháng 9 năm ngoái, ông Donadello đã không mua phân bón cho cây trồng vì chờ giá hạ nhiệt sau mức kỷ lục trong năm. Tuy nhiên, ông lại tiếp tục phải đối mặt với cú sốc từ bất ổn tại Ukraine. Giá đậu tương tăng nhưng không đủ bù cho chi phí cao hơn.
Dù vậy, kế hoạch cắt giảm của ông Donadello hoàn toànphù hợp với khuyến nghị từ Aprosoja, tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Brazil. Ông Antonio Galvan, người đứng đầu Aprosoja cho biết: “Chúng tôi đã nói với nông dân rằng đừng mua bất cứ thứ gì với giá quá cao”.
Hay như trường hợp của ông Joe Fontana là chủ của chuỗi 5 cửa hàng gà rán Fry the Coop tại Chicago (Mỹ) và các khu vực lân cận. Giá thịt gà không ngừng leo thang sau khi đại dịch COVID-19 buộc các nhà máy chế biến phải đóng cửa. Giờ đây, hạn hán ở Brazil và chiến tranh tại Ukraine tiếp tục đẩy chi phí chăn nuôi lên mốc mới, kéo theo giá thịt gà phi mã.
Ông Fontana đã tránh sử dụng dầu thực vật, thay vào đó là chiên gà và khoai tây bằng mỡ bò. Nhưng giá thành của loại chất béo đó cũng đã tăng lên theo nhu cầu tiêu thụ hiện nay.
Ông nói: “Kể từ tháng 1/ 2021, chúng tôi đã phải tăng gần gấp đôi chi phí chế biến. Một khối mỡ bò nặng 22kg có giá khoảng 29USD nhiều năm nay, nhưng bây giờ lại lên tận 56USD”. Ông chủ này đã vài lần tăng giá bánh kẹp thịt gà một vài lần và dự kiến còn tăng thêm nhiều lần nữa. Khách hàng nói với ông ấy rằng bánh ngon nhưng đắt. Do đó, ông đang phải đàm phán lại với các nhà cung cấp và thay đổi mô hình nhà bếp tập trung để tiết kiệm chi phí nhân lực.
Các món ăn yêu thích khác cũng không ngoại lệ. Christine McCracken, nhà phân tích tại Rabobank cho biết các nhà sản xuất bánh pizza cũng đang cắt giảm một nửa lượng xúc xích đặt trên bánh pizza. Và bánh mì kẹp thịt cũng sẽ bị giảm bớt một lát thịt xông khói.