Đồng thời, các bộ, ngành cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nghị định về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; nghị định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; nghị định về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích…
Đối với các doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 – 2020, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.
Doanh nghiệp cũng phải khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của luật đất đai, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2018, có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị doanh nghiệp là 29.378 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 15.162 tỷ đồng. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.
Về thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã thoái được 2.506 tỷ đồng, thu về 6.458 tỷ đồng. Theo Quyết định số 1232 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có 5 đơn vị thực hiện thoái vốn. Lũy kế đến nay mới chỉ có 16 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhận định, tiến độ triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành cơ chế báo cáo ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự nghiêm túc. Các doanh nghiệp cổ phần hóa còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa cần phải có thời gian xử lý, làm kéo dài thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, mặc dù cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa đạt như kỳ vọng, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa còn rất chậm.