Lo ngại thất thoát trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Sáng 28/5, Quốc hội hảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Bên lề Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.
Ông Đỗ Văn Sinh lo ngại về về hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian qua. Ảnh: H.V |
Về những tồn tại trong thoái vốn, cổ phần hóa, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, tiến độ cổ phần hóa còn chậm, thậm chí một số chỉ tiêu như số lượng doanh nghiệp cổ phần và giá trị cổ phần hóa và thoái vốn của nhiều doanh nghiệp không đạt theo yêu cầu đặt ra.
"Chúng ta muốn thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa, thay đổi năng lực quản trị. Nhưng khi doanh nghiệp cổ phần hóa không quá được 50% vốn thì lãnh đạo vẫn là những người cũ, chất lượng quản trị không được nâng cao", đại biểu Đỗ Văn Sinh phân tích.
Về nguy cơ trục lợi cổ phần hóa, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp không đầy đủ. Trong đó là giá trị tài sản, ví dụ như tài sản là 1 đồng trong sổ sách nhưng thực tế lại cao hơn. Tuy nhiên, tài sản vẫn được đánh giá là 1 đồng. Đó là một vấn đề mất lợi thế. Đặc biệt là giá trị thương hiệu, có giá trị thương hiệu lẽ ra được đánh giá rất cao nhưng khi tính toán thì lại không đánh giá hết. Dẫn tới việc nhà nước bị thiệt hại.
Thứ hai là trong quá trình cổ phấn hóa chưa minh bạch, công khai những thông tin khi tiến hành cổ phần hóa. Trong thời qua, Chính phủ đã quyết liệt trong việc cổ phần hóa, đánh giá đúng giá trị và thương hiệu của doanh nghiệp. Do đó, việc cổ phần hóa trong thời gian quá đã thực hiện tốt hơn.
Đánh giá về nguy cơ bị trục lợi về đất đai, đại biểu Đỗ Văn Sinh chỉ ra kẽ hở là doanh nghiệp sử dụng đất không thực hiện đúng theo quy định, tức là không tổ chức đấu thầu, không tổ chức đấu giá, dẫn tới thất thoát trong việc chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất.
"Khi xây dựng phương án cổ phần hóa, phải được phê duyệt, đó là trách nhiệm của các chủ sở hữu để quản lý vốn. Nhưng sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa xong thì lại bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất đó. Quá trình chuyển đổi này không có sự kiểm soát, giám sát có thể dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước", đại biểu Đỗ Văn Sinh cho hay.
Quản lý hiệu quả tài sản nhà nước sau cổ phần hóa
Thời gian qua, Nhà nước đã thu về được hơn 114.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa. Để tránh thất thoát tài sản nhà nước sau cổ phần hóa, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp mà nhà nước cần giữ vốn chi phối để nâng cao năng lực của doanh nghiệp mà Nhà nước cần tiếp tục đầu tư để mở rộng sản xuất.
"Bên cạnh đó, Nhà nước cần minh bạch hơn trong việc quản lý và sử dụng quỹ từ nguồn cổ phần hóa. Quốc hội dự kiến sẽ xây dựng một nghị định, nghị quyết về việc quản lý, sử dụng vốn thoái từ các doanh nghiệp Nhà nước", đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết.
Về vấn đề minh bạch giữa chủ thể quản lý và trách nhiệm quản lý của Nhà nước, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, đang bị chồng chéo, giữa vai trò chủ quản và vai trò thanh tra, kiểm tra. Ví dụ một bộ vừa đại diện chủ sở hữu, nhưng lại có chức năng thanh tra, kiểm tra. Rõ ràng như vậy là không minh bạch.
"Để một bộ, ngành chủ quản vừa làm công tác chủ sở hữu, lại vừa là kiểm tra, giám sát thì rất khó minh bạch trong quá trình cổ phần hóa. Như vậy dễ dẫn tới 'tư túi' do không minh bạch, quản lý không tốt. Vì họ không muốn từ bỏ lợi ích và họ có thể trì hoãn cổ phần hóa", đại biểu Đỗ Văn Sinh cho hay.
Do đó, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, cần tách bạch chức năng chủ sở hữu, quản lý và giám sát doanh nghiệp nhà nước. Cách quản lý này sẽ tạo ra sự chuyên nghiệp trong quản lý doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả cổ phần hóa.