Bộ Tài chính nhận định, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, mặc dù một số địa phương vẫn chịu ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 do phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, song nhìn chung các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã cơ bản trở lại bình thường và có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước trong quý I năm 2021.
Theo đó, thu nội địa đạt 30% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ dầu thô đạt 34,6% dự toán, giảm gần 50%; cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 30,8% dự toán, tăng 9,7%.
Có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu đạt tiến độ tích cực (trên 25% dự toán), như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 28,2% dự toán, tăng 5%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,5% dự toán, tăng 8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 35,2% dự toán, tăng 22,4%; các khoản thu về nhà, đất đạt 32,3% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020...
Bộ Tài chính cho biết, ước tính cả nước có 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%); trong đó, 42 địa phương thu đạt trên 28% dự toán; 40/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ. Kết quả này cho thấy, đà phục hồi khả quan và khá đồng đều của nền kinh tế, cũng như hiệu quả của các chính sách đã thực hiện trong phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19.
Nhờ có sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I ước đạt 151,35 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tác động làm tiến độ thu ngân sách của khu vực này đạt khá.
Về chi ngân sách nhà nước, quý I đạt 341,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Tài chính nhận định, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước vui đón Tết cổ truyền.
Bên cạnh đó, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho phòng chống dịch COVID-19 và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo dịp tết Nguyên đán. Ngân sách trung ương đã trích dự phòng hơn một nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xử lý cấp bách đê xung yếu, cống dưới đê bị sự cố và kè bảo vệ khu vực sạt lở, sụt lún trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc....
Đồng thời, đã tăng tiến độ bổ sung cân đối và thực hiện tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính trung ương cho một số địa phương đang có dịch COVID-19 gặp khó khăn về nguồn lực để đáp ứng nhu cầu chi cấp thiết phát sinh trên địa bàn. Ngoài ra, đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Bộ Tài chính cũng cho biết, cân đối ngân sách Trung ương và các cấp địa phương được đảm bảo, thực hiện phát hành 35,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2021.