Để làm rõ hơn vấn đề này, sáng 19/7, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) kết hợp với Tạp chí Kinh tế chứng khoán Việt Nam tổ chức tọa đàm Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn trong giai đoạn hiện nay.
Việc tham gia thị trường chứng khoán khi đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhờ huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu…
Thống kê của VASB, 3 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường…
Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch trong thời gian qua còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch thường trực VASB Phan Quốc Huỳnh, nhiều nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc lên sàn chứng khoán. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến ảnh hưởng chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán chứng kiến những gam màu "buồn", với những vấn đề đáng tiếc đã xảy ra trên thị trường thời gian qua.
ra, với một thị trường chứng khoán non trẻ hơn 20 năm tuổi, chúng ta phải chấp nhận có những bước đi "chập chững" trước khi hoàn thiện bản thân, tìm đến sự bứt phá dài hơi. Các sự kiện "thanh lọc" có thể tiếp diễn, thị trường cũng có thể tiếp tục tinh chỉnh để hướng đến phát triển bền vững”, ông Phan Quốc Huỳnh chia sẻ.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó Chủ tịch thường trực VASB cũng chia sẻ, nguyên nhân chủ quan khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay chính từ nội tại sức khỏe của doanh nghiệp
Đơn cử, bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại. Trong khi các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm. Nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm tiêu chí này.
Ngược lại, Trưởng phòng Tư vấn Trần Thị Lan Anh, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam chỉ ra thực tế, hiện một số doanh nghiệp quy mô lớn nhưng không có nhu câu niêm yết trên sàn chứng khoán. Nguyên nhân là do khi niêm yết, các doanh nghiệp quy mô lớn đó cảm thấy bị "đánh đồng" với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch.Trong nhưng năm vừa qua, có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp niêm yết chung.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Như vậy, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam Bùi Đình Như cho rằng, đầu tiên phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển.
Thị trường chứng khoán đang đứng trước những cơ hội lớn, khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, dư địa cho tăng trưởng rộng mở. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, bền vững. Đối với nhà đầu tư nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.