Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.919,41 USD/ounce vào lúc 0 giờ 45 phút (sáng 29/8 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,4% lên 1.946,80 USD/ounce.
Đồng USD phiên này yếu đi so với các đối thủ, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ loại tiền tệ khác.
Trọng tâm chú ý của thị trường trong tuần này sẽ là báo cáo về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ được công bố vào ngày 1/9 (giờ địa phương) và báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng Tám một ngày sau đó. Mục tiêu là để hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe của nền kinh tế.
Ông Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính TD Securities, cho biết nếu các số liệu trên đều mạnh mẽ, điều đó có thể đồng nghĩa căng thẳng về tiền lương và triển vọng lạm phát cao hơn. Khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài.
Theo ông Melek, vàng có thể giảm trở lại mức 1.900 USD/ounce nếu dữ liệu vẫn rất mạnh. Thậm chí có khả năng vàng có thể về mức 1.840 USD/ounce.
Tại hội nghị chuyên đề thường niên ở Jackson Hole, Wyoming tổ chức hồi cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này có thể cần phải tăng lãi suất mạnh hơn nữa để hạ nhiệt lạm phát vẫn còn quá cao.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy, các nhà đầu tư hiện đang đặt cược Fed có 56% khả năng sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất khác vào năm 2023 và 40% khả năng giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay ổn định ở mức 24,23 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 2,2% lên 964,99 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 29/8, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,50 - 68,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).