Vào lúc 1 giờ 41 phút ngày 21/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.942,19 USD/ounce, sau khi tăng 0,9% trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,7% và đóng phiên ở mức 1.967,10 USD/ounce.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25 - 5,50%, trong khi các dự báo cập nhật cho thấy 12/19 nhà hoạch định chính sách của cơ quan này ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2023 để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm tốc.
Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng ít hơn trong năm 2024, nhờ vào sự mạnh mẽ của nền kinh tế và thị trường lao động.
Ngay sau quyết định này của Fed, giới giao dịch đã hạ các dự đoán về mức giảm lãi suất trong năm sau. Đồng USD thu hẹp đà giảm và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên sau quyết định này.
Dù vàng được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro khi lạm phát leo thang, nhưng lãi suất cao hơn sẽ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đi lên, từ đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Chuyên gia Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered dự đoán động lực thúc đẩy giá vàng sẽ bị hạn chế trong tương lai gần và đà tăng giá của kim loại quý này có thể sẽ không được kéo dài cho đến khi thị trường tin rằng lãi suất tại Mỹ và trên toàn cầu sẽ giảm xuống, và đồng USD yếu đi.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 1% lên 23,45 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm 0,7% xuống 932,61 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 21/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,50 - 69,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).