Theo báo cáo hồi tuần trước của Trung tâm Nghiên cứu cao cấp về kinh tế ứng dụng thuộc Trường kinh doanh nông nghiệp của Đại học Sao Paulo, vụ thu hoạch cà phê của Brazil kết thúc vào tháng này có sản lượng bằng với năm ngoái nhưng xuất khẩu lại tăng mạnh. Tình hình hạn hán hiện nay đang trở nên phức tạp vào thời điểm bắt đầu niên vụ 2025 - 2026.
Theo người điều phối chương trình đào tạo thạc sỹ kinh doanh nông nghiệp của Quỹ Getulio Vargas, Felippe Serigati, những người buôn bán cà phê đang theo dõi sát sao diễn biến ở Brazil, xem cây cà phê ở đây có thể chống chịu được với thời tiết bất lợi đến đâu. Thông thường, thời tiết khô nóng có thể có thể khiến hoa cà phê ngừng nở, không kết trái hoặc tạo ra hạt có chất lượng thấp.
Thị trường dự đoán trước những diễn biến này nên cà phê arabica ở thị trường New York và giá cà phê robusta ở châu Âu đã giao dịch ở mức cao hơn. Chốt phiên 24/9, giá cà phê arabica giao tháng 12/2024 ở thị trường New York tăng 1,57% lên mức 2,68 USD/pound (0,454 kg). Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 11/2024 ở London tăng nhẹ 0,36% lên 5.312 USD/tấn. Sang phiên 25/9 giá cà phê arabica tăng 1,3% lên 2,69 USD/pound và giá cà phê robusta tăng 2,5% lên 5.446 USD/tấn.
Trong báo cáo gửi khách hàng gần đây, Ngân hàng nông nghiệp Rabobank (Hà Lan) cho biết, tình trạng khô hạn khắc nghiệt ở Brazil vẫn chưa giảm bớt. Dự báo, nước này sẽ trải qua một tuần khô hạn nữa trước khi có mưa.
Giá cà phê tổng hợp vẫn chưa đạt mức cao kỷ lục vào cuối thập niên 1970, khi một đợt sương giá nghiêm trọng làm giảm 70% sản lượng cà phê của Brazil. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), giá cà phê tổng hợp, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, đang ở mức cao nhất trong 13 năm.
Trong tháng Tám vừa qua, chỉ số giá tổng hợp của ICO, theo dõi giá của nhiều loại phê nhân giao dịch phổ biến trên thế giới, đạt trung bình 2,38 USD/pound, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước.
Giá tăng một phần là do nhu cầu cao hơn, đặc biệt là ở châu Á. Tuy nhiên, thời tiết cũng đang thúc đẩy thị trường cà phê. Nhà kinh tế cấp cao về thực phẩm và đồ uống của ngân hàng nông nghiệp CoBank (Mỹ), Billy Roberts, cho biết, hạn hán, sương giá và hỏa hoạn đã gây thiệt hại 20% diện tích trồng cà phê arabica ở Brazil.
Các vụ cháy do con người gây ra, không được kiểm soát trên khắp Brazil gần đây cũng tàn phá nhiều trang trại cà phê. Thời tiết khô hạn khiến các đám cháy dễ dàng lan rộng.
Trong khi đó, sản lượng cà phê của Việt Nam, nước sản xuất lớn thứ hai thế giới, cũng đang bị thiệt hại do nắng nóng.
Tình trạng thiếu nguồn cung tiềm năng ở cả hai nước này bắt đầu đẩy giá cà phê toàn cầu tăng lên các đỉnh cao mới.