Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số loại lúa có giá giảm nhẹ so với tuần trước như: Đài thơm 8 có giá từ 7.900 – 8.200 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; OM 18 từ 7.900 – 8.200 đồng/kg, cũng giảm 300 đồng/kg. Lúa OM 5451 có giá từ 7.600 – 7.900 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg, IR 50404 từ 7.300 – 7.500 đồng/kg, cũng giảm 500 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…
Tại Sóc Trăng, đến hết tháng 8, các địa phương đã thu hoạch được trên 70% diện tích gieo cấy. Nhờ trồng chủ lực các loại giống lúa đặc sản chất lượng cao như giống ST24, ST25, Tài nguyên, Đài thơm 8... nên năng suất, sản lượng, giá trị lúa gạo đều tăng cao cho nhà nông.
Từ đầu năm đến nay, giá lúa tại Sóc Trăng tăng từ 400 - 600 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; cụ thể, lúa thường có giá từ 7.000 - 7.700 đồng/kg, lúa thơm dao động từ 7.400 - 8.400 đồng/kg và lúa đặc sản có giá từ 7.600 - 9.400 đồng/kg, cho lợi nhuận rất cao cho người trồng với khoảng từ 20 - 35 triệu đồng/ha/vụ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 5/9, vụ Hè Thu 2024, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 1,469/1,48 triệu ha kế hoạch, đạt gần 99%.
Diện tích đã thu hoạch được 1,041 triệu ha với năng suất khoảng 59,93 tạ/ha, sản lượng đạt 6,238 triệu tấn lúa.
Cùng với đó, các địa phương đã gieo cấy vụ Thu Đông 2024 được 546.000/700.000 ha kế hoạch; đã bắt đầu thu hoạch được 19.000 ha.
Với vụ Mùa 2024, các địa phương đã bắt đầu xuống giống được 7.000 ha/170.000 ha kế hoạch.
Về xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 567 USD/tấn vào ngày 12/9, giảm so với mức 575 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại TP Hồ Chí Minh cho biết hoạt động giao dịch vẫn chậm trong khi nhu cầu yếu.
Theo giới giao dịch, lũ lụt đang diễn ra ở các tỉnh phía Bắc có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo, mặc dù gạo xuất khẩu chủ yếu được trồng ở đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam.
Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của nước này kéo dài đà giảm trong tuần qua xuống mức thấp nhất 8 tháng.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 528 - 534 USD/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2024 và giảm so với mức từ 535 - 540 USD/tấn một tuần trước đó.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ Krishna Rao cho biết, nhu cầu rất yếu trong vài tuần qua. Người mua đang nhận định cơ cấu thuế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ giảm và đang trì hoãn mua hàng.
Ngày 13/9, theo một sắc lệnh của chính phủ, Ấn Độ đã dỡ bỏ giá sàn đối với gạo basmati xuất khẩu nhằm hỗ trợ người nông dân (vốn đang gặp khó khăn do nợ và chi phí tăng) thúc đẩy xuất khẩu loại gạo này chỉ vài tuần trước khi bước vào vụ thu hoạch mới.
Trong năm ngoái, Ấn Độ đã đặt ra mức giá sàn, tức mức giá xuất khẩu tối thiểu, 1.200 USD/tấn và sau đó hạ xuống 950 USD/tấn.
Bên cạnh đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần qua cũng giảm xuống mức từ 550 - 565 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023 và cũng giảm so với mức 585 USD/tấn vào tuần trước.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết, thị trường vẫn cho rằng giá gạo Thái Lan quá cao. Tuy vậy, lũ quét đã làm giảm năng suất thu hoạch ngắn hạn, nhờ đó giá có thể được cải thiện trong tương lai.
Một thương nhân khác cho rằng giá gạo của Thái Lan kém cạnh tranh hơn các đối thủ và các nhà thầu Thái Lan đã thua các nhà xuất khẩu khác trong cuộc đấu giá gần đây của Indonesia do giá cao hơn. Tuy vậy, doanh nhân này cho rằng sẽ có nhu cầu từ các khách hàng châu Phi và châu Âu trước tháng 10/2024 và những đơn hàng đó sẽ được giao trước cuối tháng 12/2024.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá lúa mỳ kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago tăng trong phiên 13/9, dao động gần mức cao nhất trong hai tháng, do lo ngại về nguồn cung gia tăng khi căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đen.
Giá ngô tăng phiên thứ ba liên tiếp dù Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) bất ngờ nâng dự báo về sản lượng ngô của nước này, trong khi đậu tương vững giá.
Giá lúa mỳ tăng 0,43% lên 5,81 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 7/7 trong phiên trước.
Giá đậu tương tăng 0,15% lên 10,125 USD/bushel, trong khi giá ngô tăng 0,62% lên 4,0875 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bergman Grains Research cho biết nguồn cung từ các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn theo dự báo vẫn gần mức thấp nhất trong nhiều năm.
Trong khi đó, USDA ngày 12/9 đã nâng dự báo về sản lượng và năng suất ngô của Mỹ, dù các nhà giao dịch vốn dự kiến sẽ giảm sau một đợt thời tiết mùa Hè khô hạn.
USDA hạ dự báo sản lượng đậu tương, mặc dù vụ mùa này vẫn được dự đoán sẽ đạt sản lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Về thị trường cà phê thế giới, giá cà phê tại hai sàn London và New York ngày 14/9 đồng loạt tăng mạnh.
Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2024 trên sàn London tăng tới 190 USD (tương đương 3,74%), lên 5.267 USD/tấn, còn kỳ hạn giao tháng 1/2025 tăng 182 USD (tương đương 3,78%), lên 4.998 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 tăng 10,05 xu (tương đương 4,03%) lên 259,45 xu/lb, còn kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 9,6 xu (tương đương 3,89%), chạm mức 256,60 xu/lb.
Giá cà phê Arabica tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ từ đồng USD yếu. Chỉ số USD đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở mức 101,11. Đồng USD đã giảm sau khi các số liệu mới một lần nữa làm tăng suy đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vào tháng 9/2024, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp vào tháng 9 và tháng 12/2024, trước khi cắt giảm lãi suất 125 điểm cơ bản vào năm 2025 và 75 điểm cơ bản vào năm 2026.
Ở trong nước, giá cà phê ngày 14/9 tăng thêm 1.000 đồng so với ngày hôm trước.
Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê tại 3 huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà đang cùng ở mức 122.600 đồng /kg.