Mặc dù thị trường nông sản vẫn chịu áp lực đáng kể trong tuần vừa qua, tuy nhiên lực mua rất mạnh trên 3 nhóm còn lại, đặc biệt là năng lượng đã hỗ trợ chỉ số MXV -Index đóng cửa tuần tăng gần 2,4% lên 2.383 điểm, cao nhất trong gần 3 tuần trở lại đây.
Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.500 tỷ đồng mỗi phiên, ghi nhận mức tăng hơn 6% so với tuần trước đó.
Giá kim loại hồi phục mạnh mẽ
Sắc xanh áp đảo bảng giá kim loại trong tuần giao dịch 27/02 – 05/03. Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1,44% lên 21,24 USD/ounce; đáng chú ý, giá bạch kim chấm dứt chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp với mức tăng 7,88% lên 979,4 USD/ounce, và cũng là mức cao nhất trong gần một tháng.
Chỉ số Dollar Index giảm về 104,52 điểm trong tuần qua, và đã góp phần cải thiện sức mua trên cả thị trường bạc và bạch kim. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng kim loại quý cũng tăng nhờ tâm lý “bắt đáy” sau một thời gian dài liên tiếp giảm.
Bạch kim sở hữu mức tăng giá mạnh nhất nhóm bởi nguy cơ nguồn cung sụt giảm mạnh. Nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới là Nam Phi, đang phải đối mặt với sự cố về điện, và các hoạt động sản xuất cũng bị gián đoạn. Giới phân tích dự báo, nếu tình trạng mất điện này kéo dài, sản lượng bạch kim của quốc gia này có thể sụt giảm lên tới 15%.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 2,88% lên 4,07 USD/pound. Không chỉ đồng, nhiều kim loại cơ bản khác như nhôm, chì, kẽm đều tăng giá tích cực nhờ số liệu sản xuất tích cực của Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất tháng 1 của nước này tăng lên lần lượt là 52,6 điểm và 56,3 điểm, phản ánh sự hồi phục rất tích cực của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Thông tin này cũng củng cố kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như nhu cầu tiêu thụ với các mặt hàng kim loại cơ bản.
Tuy nhiên, đà tăng và khối lượng giao dịch của giá đồng cũng suy yếu trong hai phiên giao dịch cuối tuần, khi mà tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư gia tăng trước kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc.
Trái với thị trường đồng, thị trường quặng sắt tiếp tục trải qua một tuần giao dịch ảm đạm, khi chỉ giảm nhẹ 0,56% về 125,39 USD/tấn. Giá sắt vẫn chưa thể vượt lên mức 130 USD/tấn, bởi thị trường chưa nhận được một chất xúc tác nào mới và đủ mạnh để thúc đẩy sức mua. Mặc dù vậy, giá sắt vẫn neo ở mức cao, khi mà những kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc vẫn được duy trì. Theo Shanghai Metal News, nhập khẩu quặng sắt từ Úc và Brazil của Trung Quốc đây đã phục hồi và cao hơn so với cùng kỳ những năm trước.
Giá sắt có thể sẽ vẫn tăng, nhưng mức tăng sẽ bị hạn chế do sự giảm sát của các cơ quan quản lý, bởi nếu giá sắt tăng quá mạnh, các nhà chức trách sẽ vào cuộc để hạ nhiệt giá.
Giá dầu tăng 4 trên 5 phiên trong tuần
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu ghi nhận 4 trong tổng số 5 phiên tăng giá trước các thông tin tích cực về nhu cầu, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Bên cạnh đó, những tin tức ảnh hưởng tới nguồn cung cũng góp phần đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 2. Giá dầu WTI tăng 4,4% lên sát ngưỡng 80 USD/thùng, chốt tuần tại mức giá 79,68 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,63% lên mức 85,83 USD/thùng.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2 bất ngờ tích cực hơn nhiều so với dự báo. Trong khi đó, nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này. Các công ty tư vấn theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler ước tính gần 43 triệu thùng dầu thô của Nga sẽ đến Trung Quốc vào tháng 3. Mức cao trước đây đối với nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga là 42,48 triệu thùng vào tháng 6/2020.
Cuối tuần qua, nhà sản xuất dầu khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia đã tăng hầu hết giá bán chính thức dầu thô cho châu Á trong tháng Tư. Loại dầu chính Arab Light của công ty đã được nâng lên 2.50 USD/thùng so với tiêu chuẩn khu vực, cao hơn 50 cent so với mức của tháng trước. Đây là tháng thứ hai Aramco tăng giá cho châu Á, cho thấy đánh giá tích cực về tiêu thụ tại khu vực này.
Bên cạnh đó, báo cáo từ Cơ quan quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy khối lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng từ 4,6 triệu thùng lên 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/02, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với dầu thô của Mỹ cũng góp phần thúc đẩy lực mua. Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần qua đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên hoạt động trong tuần thứ 3 liên tiếp, là lần đầu tiên kể từ tháng 8, với số giàn khoan dầu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9.
Thông tin xoay quanh UAE và nhóm OPEC đã làm chao đảo thị trường dầu trong phiên cuối tuần, nhưng việc UAE bác bỏ báo cáo về việc rời khỏi OPEC, và cho biết sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng ít nhất là trong năm nay đã kéo giá tăng vọt sát 80 USD/thùng sau khi giảm xuống 75,9 USD/thùng ngay trước đó. Điều này cho thấy thị trường vẫn bày tỏ sự không chắc chắn về nguồn cung trong tương lai.
Khí tự nhiên cũng là mặt hàng biến động rất mạnh trong tuần qua khi tăng hơn 18% và đã lấy lại mốc 3 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Trung tâm dự báo thời tiết trung bình châu Âu dự đoán nhiệt độ sẽ lạnh hơn so với trung bình trong 7 ngày từ ngày 6/3 đến ngày 13/3, có thể khiến tiêu thụ tăng cao và hỗ trợ cho giá khí. Ngoài ra, Reuters cho biết các đường ống dẫn khí đốt dòng chảy Nord Stream bị vỡ dưới biển của Nga sẽ được niêm phong và đóng băng vì không có kế hoạch sửa chữa ngay lập tức. Nguồn cung gặp gián đoạn cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với khí tự nhiên trong phiên cuối tuần.
Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch quan trọng
Cung cấp các thông tin nhà đầu tư cần chú ý trong tuần giao dịch này, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết: “Tuần này sẽ là tuần quan trọng trong việc xác định xu hướng giá dầu thô liệu có thể bứt phá khỏi vùng đi ngang trong vòng 3 tháng qua hay không. Giá dầu hiện đã lên sát mức 80 USD/thùng sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, nên nhiều khả năng sẽ gặp lực bán chốt lời trong phiên đầu tuần. Các phiên tiếp theo, giá dầu sẽ phản ứng với báo cáo tháng 3 của EIA. Với những dữ liệu tích cực trước đó của quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu Trung Quốc, EIA có thể sẽ nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm nay. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy đà phục hồi của giá dầu.”
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Anh đánh giá sức ép từ các yếu tố vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn. Tuần này, các nhà đầu tư cũng sẽ dành sự quan tâm tới biến động trên thị trường lao động Mỹ thông qua Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp được phát hành vào cuối tuần. Các dữ liệu trong tuần cho thấy bức tranh lao động Mỹ vẫn tích cực, và sẽ là yếu tố gây ra rủi ro tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm hạ nhiệt thị trường việc làm và giảm lạm phát, hạn chế tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến giá dầu khó thoát khỏi xu hướng tích luỹ.