Chủ tịch FED Janet Yellen phát biểu trong cuộc họp báo sau một cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang tại thủ đô Washington ngày 15/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với việc BoJ "đại tu" chính sách kích thích kinh tế và FED quyết định giữ nguyên lãi suất, thị trường chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt ấm lên, trong đó chỉ số chứng khoán Mỹ tăng khá.
Kết thúc phiên 21/9, hai chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt tiến 0,9%, 1,1% và 1% lên các mức 18.293,70 điểm, 2.163,12 điểm và 5.295,18 điểm. Trong đó, chỉ số Nasdaq chốt phiên ở mức cao nhất trong lịch sử là 5.295,18 điểm, tăng 12 điểm so với mức kỷ lục được thiết lập trước đó ngày 7/9.
Tại châu Âu, các chỉ số FTSE 100 trên sàn London, DAX 30 trên sàn Frankfurt, CAC 40 trên sàn Paris và chỉ số EURO STOXX 50 cũng lần lượt cộng thêm 0,1%, 0,4%, 0,5% và 0,6% lên các mức 6.834,77 điểm, 10.436,49 điểm, 4.409,55 điểm và 2.982,18 điểm.
Diễn biến tích cực trên các thị trường chứng khoán toàn cầu cho thấy tâm lý giới đầu tư vẫn "chuyển động" dựa theo quyết sách của các ngân hàng trung ương, bất chấp những quan ngại về việc chính sách tiền tệ của những thể chế này chưa phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ban Chính sách, BoJ cho biết đã quyết định thay đổi khuôn khổ chương trình mua trái phiếu nhằm giữ lãi suất trái phiếu chính phủ trong 10 năm khoảng 0%, trong khi cam kết tiếp tục nỗ lực đưa mức lạm phát vượt 2% và trì hoãn việc tiếp tục cắt giảm lãi suất. Thông tin này sau đó đã giúp giá cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng, trong đó có Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group, Commerzbank hay BNP Paribas, khởi sắc.
Trong khi đó, FED - Ngân hàng trung ương Mỹ - đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần thứ sáu liên tiếp để chờ đợi thêm những tín hiệu từ kinh tế Mỹ. Mặc dù vậy, một số quan chức của Fed vẫn tin rằng lãi suất sẽ được tăng trước cuối năm nay.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 vẫn ghi nhận mức tăng 0,1% mặc dù Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã điều chỉnh hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh trong năm tới xuống còn 1%, sau khi cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
* Lượng dầu thô tại các kho dự trữ ở Mỹ sụt giảm đã đẩy giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên ngày 21/9.
Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11 tăng 1,29 USD lên 45,34 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cộng thêm 95 xu Mỹ lên 46,83 USD/thùng.
Bộ Năng lượng Mỹ báo cáo lượng dầu thô trong các kho dự trữ của nước này đã giảm khoảng 6,2 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự báo tăng hơn 3 triệu thùng mà thị trường đã đưa ra trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tỏ ra thận trọng về tuần giảm “đột biến” về lượng dầu thô dự trữ nêu trên, và nói rằng giá "vàng đên" sẽ vẫn chịu sức ép của tình trạng dư cung.
Mới đây, Nga cho hay sản lượng dầu của nước này đã đạt mức cao kỷ lục trên 11,7 triệu thùng/ngày hồi đầu tháng Chín. Ngoài ra, hoạt động khai thác dầu tại Vostochno-Messoyakhskoye, mỏ dầu phía Bắc của nước Nga (được ước tính có trữ lượng khoảng 340 triệu tấn dầu), đã bắt đầu từ ngày 21/9.
Thông tin trên được đưa ra trước khi cuộc họp giữa các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, diễn ra tại Algeria nhằm thảo luận về tình trạng dư cung trên toàn cầu.