Thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên 16/11

Phiên 16/11, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã nỗ lực đạt được mức tăng nhẹ, thì chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên với kết quả giảm trước áp lực từ những dự báo triển vọng kinh doanh đáng thất vọng của các công ty công nghệ và bán lẻ hàng đầu như Cisco và Walmart.

Chú thích ảnh
Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 45,74 điểm, tương đương 0,13%, xuống 34.945,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,36 điểm, tương đương 0,12%, lên 4.508,24 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng thêm 9,84 điểm, tương đương 0,07%, lên 14.113,67 điểm.

Nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng giảm 2,1% trong phiên này, dẫn đầu đà sụt giảm trong số 11 lĩnh vực thuộc chỉ số S&P. Nhóm cổ phiếu này chạm mức thấp nhất trong 4 tháng do giá dầu thô giảm gần 5%. Lĩnh vực dịch vụ truyền thông tăng 0,9%, là lĩnh vực có mức tăng mạnh nhất trong phiên, tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, tăng 0,7%.

Cổ phiếu của Cisco Systems giảm 9,8% khi công ty công nghệ mạng và truyền thông này cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm nay do nhu cầu về thiết bị mạng của họ đang chậm lại. Cũng trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu của Palo Alto Networks cũng giảm 5,4% sau khi dự báo vào cuối ngày 15/11 về doanh thu quý II tài khóa hiện tại không đạt kỳ vọng.

Cổ phiếu Walmart giảm 8,1% trong phiên 16/11, sau khi chạm mức cao kỷ lục. “Gã khổng lồ bán lẻ” cho biết người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu thận trọng vì lạm phát, ngay cả khi Walmart nâng dự báo hàng năm về doanh thu và lợi nhuận. Điều này đã khiến chỉ số hàng tiêu dùng thiết yếu S&P 500 giảm 1,2% và đè nặng lên giá cổ phiếu các nhà bán lẻ như Dollar General và Dollar Tree, đều giảm 4,2%.

Đầu tuần này, các chỉ số chứng khoán Phố Wall đã tăng mạnh nhờ dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt và làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất lộ trình tăng lãi suất. Ngoài ra, việc thông qua dự luật tạm thời nhằm ngăn chặn sự đóng cửa của Chính phủ trong tuần này đã làm dịu đi một số lo lắng của giới đầu tư.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tiền tệ đã đặt cược phần lớn khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 12 và khoảng 62% khả năng cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Năm.

Tại Việt Nam, chốt phiên 16/11, chỉ số VN-Index tăng 3,03 điểm (0,27%) lên 1.125,53 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,69 điểm (0,74%) lên 229,56 điểm.

Minh Trang (TTXVN)
Thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều
Thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều

Chỉ số tổng hợp S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) chốt phiên 13/11 giảm điểm nhẹ, khi các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát để có cơ sở nhận định liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao trong bao lâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN