Thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế cuối năm khởi sắc

Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã qua đi, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến vào vùng trống thông tin ở tuần giao dịch tới. Tuy nhiên, nhận định cho thời gian dài hơn, giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước được hỗ trợ bởi triển vọng kết quả kinh tế sẽ có sự khởi sắc trong nửa cuối năm.

Thị trường cần nhịp nghỉ

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế cuối năm khởi sắc. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm trong tuần tới.

Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, ông Hinh nhận định, thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới.

Do đó, thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong một vài tuần tới. Trong bối cảnh điểm số lĩnh xình, dòng tiền đầu cơ có thể liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng hoặc điều chỉnh ngắn.

Tuy nhiên, nhận định cho thời gian dài hơn, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) gồm Trần Thị Ngọc Hòa và Nguyễn Thị Bảo Trân cho biết, thị trường chứng khoán trong nước được hỗ trợ bởi kỳ vọng kết quả kinh sẽ có sự khởi sắc trong nửa cuối năm.

Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng mức tăng trưởng của hầu hết các ngành đều có sự khởi sắc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hồi phục; các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Tâm lý lạc quan của nhà đầu  tư cá nhân trong nước thúc đẩy thị trường tăng mạnh. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%, mặc dù tăng trưởng GDP nửa đầu năm chỉ đạt 3,7%. Để đạt được mức tăng trưởng lên đến 9% trong nửa cuối năm 2023, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng đầu tư công sẽ đóng vai trò chính.

Đáng chú ý, dữ liệu vĩ mô tháng 7 cho thấy dấu hiệu phục hồi của xuất khấu, vốn FDI và du lịch. Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư.

Về phía chính sách tiền tệ, do cầu tín dụng vẫn thấp nên kỳ vọng sắp tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cắt giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 25 điểm cơ bản.

Thực tế, tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước chuyển biến tích cực thể hiện qua số tài khoản mở mới 3 tháng liên tiếp trên mỗi 100 nghìn tài khoản/tháng (tháng 7: hơn 150 nghìn tài khoản; tháng 6 là 146 nghìn tài khoản và tháng 5 đạt 105 nghìn tài khoản).

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE cũng ghi nhận tháng thứ 4 cải thiện liên tiếp; trong đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm cá nhân trong nước chiếm gần 87% tổng giá trị giao dịch tháng 7, ghi nhận 4 tháng liên tiếp trên ngưỡng 85% tổng giá trị, tăng đáng kể so với mức bình quân 80% các tháng trước đó.

Hơn nữa, tổng mức cho vay ký quỹ đã tạo đáy cuối quý IV/2022 và liên tục cải thiện 2 quý liên tiếp. Dù vậy, tỷ lệ nợ vay ký quỹ cuối quý II/2023 chỉ mới bằng khoản 70% vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, thấp hơn mức đỉnh cuối quý I/2022 là gần 130%.

Trong lịch sử, từ quý III/2020 đến quý I/2022, thị trường giao dịch trên vùng P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) trung bình 5 năm nhờ các động lực: Kỳ vọng các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn COVID; nợ vay ký quỹ tăng mạnh kể từ quý II/2020; số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng mạnh từ tháng 3/2020; giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh kể từ tháng 10/2020; kỳ vọng lợi nhuận phục hồi trong năm 2021.

Ở thời điểm hiện tại, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận thấy những yếu tố hỗ trợ kể trên đang được kỳ vọng lặp lại trong giai đoạn tới, bao gồm sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ, triển vọng phục hồi lợi nhuận trong 2 quý tới, cùng với việc thanh khoản thị trường cải thiện và sự lạc quan từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), một thông tin đáng chú ý cho giai đoạn tháng 8 và tháng 9 tới đây là kỳ xem xét của tổ chức FTSE Russell vào tháng 9. Các động thái từ tổ chức này đối với Việt Nam sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán.

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi của tổ chức FTSE Russell từ 2018 và trong kỳ đánh giá tháng 3 vừa qua, tổ chức này đã đưa ra sự lo ngại liên quan tới việc thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải cách thị trường và cảnh báo việc xem xét lại tư cách thành viên của Việt Nam trong danh sách theo dõi trong kỳ đánh giá tới.

Tuy nhiên, tại Đối thoại tháng 7 - Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán diễn ra hồi cuối tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, cuộc họp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các tổ chức xếp hạng quốc tế trong tháng 8 được kỳ vọng là yếu tố then chốt giúp giải quyết vấn đề trên, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE vào năm 2024 hoặc 2025.

Nhận định về diễn biến thị trường trong tháng 8, SSI cho rằng, bức tranh lợi nhuận quý II/2023 chưa thật sự tăng tốc trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, tuy nhiên tốc độ giảm đã thu hẹp đáng kể và đà giảm đã chậm lại trong 3 quý liên tục với khả năng tạo đáy, cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần phản ánh vào nỗ lực hồi phục của các doanh nghiệp.

SSI cho rằng, sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận trong 2 quý cuối năm đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng ổn định trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu và thị trường chứng khoán có thể có những biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới.

Trở lại diễn biến thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT cho biết, đà tăng tích cực tiếp tục được duy trì trong 2 phiên đầu tuần qua, giúp chỉ số VN-Index chốt phiên ngày thứ Ba tại mức 1.242,23 điểm, tăng 1,3% so với đầu tuần.

Tuy nhiên, hoạt động chốt lời gia tăng cùng với những thông tin kém khả quan liên quan tới nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và lạm phát tại Mỹ nhích tăng trở lại trong tháng 7, đã khiến các chỉ số chứng khoán rung lắc mạnh trong 2 phiên sau đó.

Chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất tuần tại 1.213,4 điểm. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, nhờ lực kéo từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu VIC sau thông tin tích cực liên quan tới việc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ, đã giúp chỉ số VN-Index phục hồi và chốt tuần tăng điểm.

Kết thúc tuần giao dịch từ 7 - 11/8, VN-Index đóng cửa tại mức 1.232,2 điểm, tăng nhẹ 0,5% so với đầu tuần.

Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,2% lên 245,3 điểm và UPCOM-Index tăng 1,7% lên 93,3 điểm. Tuần này chứng kiến sự phân hóa giữa các ngành với các nhóm bất động sản, thép tăng điểm tích cực trong khi nhóm hóa chất và xây dựng điều chỉnh.

Bất động sản tiếp tục là nhóm tăng điểm mạnh nhất sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản. VIC tăng tới 16,7%,  tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường khi đóng góp 10,1 điểm tăng cho chỉ số VN-Index. Theo sau là nhóm các cổ phiếu ngân hàng như STB tăng 10%, CTG tăng 3,5%, SSB tăng 7,1% và LPB tăng 4,8%.

Thanh khoản tuần qua giảm nhẹ, với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 26.329 tỷ đồng, giảm 1% so với tuần trước đó.

Tuần qua, khối ngoại quay sang bán ròng lần lượt 733 tỷ đồng và 50 tỷ đồng trên HOSE và HNX, trong khi mua ròng mạnh trên UPCOM với giá trị 990 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 209 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Chứng khoán thế giới đi xuống

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm vì lo ngại lãi suất tăng.

Chỉ số Nasdaq Composite và chỉ số S&P 500 chốt phiên cuối tuần qua giảm điểm và cùng giảm tuần thứ hai liên tiếp, khi chỉ số liệu cho thấy chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.

Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 6,2%, nhưng chỉ số S&P 500 giảm 0,3% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,9%. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số Nasdaq Composite giảm điểm hai tuần liên tiếp.

Chứng khoán châu Á cũng "tuột dốc" do lo ngại về lãi suất. Trong phiên chiều 11/8, các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại lãi suất của Mỹ có thể tăng vào cuối năm.

Cụ thể, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 2% xuống 3.189,25 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong cũng mất 0,9% xuống mức 19.075,19 điểm.

Sắc đỏ cũng lan rộng ở thị trường chứng khoán Sydney của Australia, Singapore, Seoul của Hàn Quốc, Manila của Philippines, Mumbai của Ấn Độ và Jakarta của Indonesia. Tuy nhiên, thị trường Bangkok của Thái Lan và Wellington của New Zealand nhích nhẹ. 

Riêng thị trường Tokyo của Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.

Văn Giáp (TTXVN)
Những yếu tố có thể đẩy giá vàng vượt kỷ lục mọi thời đại vào năm 2024
Những yếu tố có thể đẩy giá vàng vượt kỷ lục mọi thời đại vào năm 2024

Giá vàng trên đà tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2024 nhờ lãi suất giảm dần cùng với mối lo ngại về suy thoái kinh tế đã củng cố vai trò của vàng là một tài sản trú ẩn an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN