Trong tuần qua, thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh tăng nhẹ. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần ngày 8/9, thị trường có sự rung lắc do áp lực chốt lời. Chốt phiên chiều ngày 8/9, VN-Index giảm nhẹ 1,66 điểm xuống còn 1.241,48 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,06 điểm lên 256,20 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 1.297 triệu cổ phiếu, tương đương thanh khoản hơn 29.478 tỷ đồng.
Trước đó, trong trung tuần tháng 8, TTCK đã có nhịp điều chỉnh mạnh (-6,8%). Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, điều này đã giúp thị trường hạ nhiệt sau chuỗi 14 tuần trong xu hướng tăng điểm (kể từ đầu tháng 5/2023), đồng thời là cơ sở cho đà tăng tiếp theo của thị trường trong tháng 9.
Thống kê của Sở Giao dịch chứng TP Hồ Chí Minh (HOSE) cũng cho thấy, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.224,05 điểm, tăng 0,09% so với tháng 7 và tăng 21,54% so với cuối năm 2022; VNAllshare đạt 1.230,85 điểm, tăng 2,02% so với tháng 7 và tăng 26,81% so với cuối năm 2022; VN30 đạt 1.234,53 điểm, tăng 0,30% so với tháng 7 và tăng 22,82% so với cuối năm 2022.
Một số chỉ số ngành tăng điểm trong tháng 8 gồm: ngành công nghệ thông tin (VNIT) tăng 12,64%; ngành tài chính (VNFIN) tăng 2,88%; ngành công nghiệp (VNIND) tăng 1,80%... Ngược lại, ngành năng lượng (VNENE) giảm 4,33%; ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) giảm 3,32% và ngành dịch vụ tiện ích (VNUTI) giảm 2,21%.
Tuy nhiên, điểm sáng là thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 8 ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 994,96 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 22.071 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 13,64% về khối lượng và 20,81% về giá trị giao dịch bình quân phiên so với tháng 7/2023.
Ngoài ra, trong tháng 8, thanh khoản của giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 46,22 triệu CW, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 64,1 tỷ đồng, tăng 59,81% về khối lượng bình quân và tăng 79,12% về giá trị giao dịch bình quân so với tháng 7/2023.
Về dự báo TTCK trong tháng 9, theo VDSC, có một số thông tin tích cực để nâng đỡ thị trường. Cụ thể, các chính chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ tạo cơ hội giao dịch thuận lợi cho thị trường trong thời gian tới. Theo đó, nhà đầu tư (NĐT) có thể sử dụng tỷ lệ đòn bẩy hợp lý (và phù hợp khẩu vị rủi ro) để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, thị trường có thể biến động mạnh ở vùng P/E trượt 14,8 lần của VN-Index, tương ứng 1.240 điểm. Do đó, các chuyên gia chứng khoán khuyến cáo, NĐT ngắn hạn cần tuân thủ nghiêm chiến lược mua - bán linh hoạt, tức là tích lũy cổ phiếu ưa thích khi giá điều chỉnh về vùng chờ mua và giảm tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp thị trường có dấu hiệu “FOMO” (tâm lý sợ hãi đám đông có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư).
“Sự thận trọng của NĐT tổ chức có thể không ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường, đặc biệt trong môi trường lãi suất thấp và tâm lý lạc quan của NĐT cá nhân, song sẽ tạo nên những nhịp biến động mạnh của thị trường. Đặc biệt, khi chỉ số càng lên cao (tiến đến vùng P/E 15.5x - 16.x) mà thiếu nền tảng cơ bản hỗ trợ, mức độ điều chỉnh có thể mạnh và diễn ra bất ngờ, như trung tuần tháng 8”, VDSC nhận định.
Tương tự, bộ phận phân tích của CTCK An Bình (ABS Research) dự báo thanh khoản TTCK duy trì ổn định trên 20 ngàn tỷ đồng/phiên trong tháng 9 và VN-Index tăng tiếp tới các vùng 1.275 - 1.284 - 1.290 điểm.
Theo ABS Research, các yếu tố hỗ trợ TTCK trong tháng 9 là nhu cầu tiêu dùng phục hồi từ quý 3/2023 tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; quan hệ Việt - Mỹ được cải thiện nhờ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam vào ngày 10/9/2023 tới.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tiếp tục và giá các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có khả năng sản xuất tăng cao trên thị trường thế giới… Đây là các yếu tố quốc tế tích cực hỗ trợ kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, dù nhóm phân tích đánh giá kinh tế thế giới vẫn đang chịu tác động tiêu cực.
Ở trong nước, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng và năng lượng. Lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang hồi phục dần qua từng tháng, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất khẩu cải thiện rõ nét trong 4 tháng qua…
Trên thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất huy động tại nhóm NHTM tư nhân lớn tiếp tục giảm 0,85%/năm trong tháng 8 và về bằng mức tháng 7/2022 (trước giai đoạn tăng lãi suất). Dự kiến từ quý 3/2023 trở đi, chi phí vốn bình quân của ngành ngân hàng sẽ giảm dần (do phần lớn tiền gửi có kỳ hạn 3 - 6 tháng sẽ đáo hạn) và NIM các ngân hàng cải thiện dần.
Về mặt chính sách, Thông tư 06/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 cho phép người dân được vay tiền của ngân hàng khác để trả nợ vay tiêu dùng, mua nhà với điều kiện vay dễ dàng... Điều này dự kiến trực tiếp giúp giảm chi phí vay cho người mua nhà, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng mua nhà, thị trường bất động sản và giảm nợ xấu của ngành ngân hàng.
Trong khi đó, VDSC cũng chỉ ra các yếu tố có thể ảnh hưởng tích cực đến TTCK trong tháng 9. Cụ thể, cuộc họp về các giải pháp nâng hạng TTCK và tiến độ triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm của Ủy ban Chứng khoán.
Thứ hai, kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm và hỗ trợ dòng tiền quay trở lại TTCK. Với định giá P/E hiện tại của VN Index là 14,9x và lợi suất tương ứng là 6,7%, TTCK vẫn hấp dẫn hơn tương đối so với kênh tiền gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống liên ngân hàng vẫn rất dồi dào khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp (tại ngày 6/9/2023 là 0,16%).
Thứ ba, quyết định về lãi suất quỹ liên bang của Fed với khả năng cao sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại (5,25 - 5,5%) trong cuộc họp sắp tới, mặc dù chỉ số lạm phát lõi đã dừng giảm trong tháng 7, do nền kinh tế Mỹ đang chậm lại đúng như kỳ vọng với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,8% - mức cao nhất từ tháng 2/2022.
Thứ tư, kinh tế vĩ mô có thể tiếp tục khởi sắc nhẹ. Tín dụng dự báo tăng tốc dần trong các tháng tới khi Thông tư 10/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/9/2023. Thông tư này gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới việc cho vay mua cổ phần của công ty tư nhân và cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (cho vay góp vốn theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án không đủ điều kiện kinh doanh, cho vay bù đắp tài chính).
Về khối ngoại, theo thống kê của HOSE, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8 đạt trên 75.144 tỷ đồng, chiếm hơn 7,40% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 1.574 tỷ đồng.
Các chuyên viên phân tích chứng khoán cho rằng, xu hướng bán ròng của khối ngoại chưa chấm dứt và có thể ảnh hưởng tới hiệu suất của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Một phần lý do khiến hoạt động bán ròng có thể tiếp diễn là rủi ro mất giá của VNĐ. Mặc dù lãi suất quỹ liên bang của Fed có thể không thay đổi trong tháng 9, mức chênh lệch giữa lãi suất qua đêm giữa VNĐ và USD vẫn rất lớn (khoảng 5%), khiến VNĐ có thể tiếp tục mất giá.
Tuy nhiên, xu hướng này có thể không gây ra những ảnh hưởng quá tiêu cực tới TTCK do yếu tố này đã được kỳ vọng khi NHNN lựa chọn mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ và tỷ lệ tham gia thị trường của NĐT tổ chức nước ngoài, nhóm NĐT có hành vi giao dịch liên quan tới tỷ giá đang giảm dần, cũng như chỉ số PMI đã cải thiện lên mức 50,5 - hàm ý hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện nhẹ và duy trì thặng dư thương mại.