Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN |
Sau 6 tháng triển khai, Đề án đã có 520/941 cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện. Để Đề án đi vào cuộc sống, việc đẩy mạnh kết nối, truy xuất trái cây và triệt để xử lý tình trạng bán rong trên vỉa hè cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cần phải triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Hiệu quả bước đầu Theo báo cáo tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây cho thấy, tính đến hết tháng 3/2018, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có 941 cửa hàng kinh doanh trái cây; trong đó, có 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 657 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 712 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây; 750 cửa hàng có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc trái cây; 625 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây…
Đến thời điểm này, UBND các quận đã cấp biển nhận diện cho 520 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm cấp biển nhận diện cho 26/61 cửa hàng, quận Đống Đa 46/72 cửa hàng, quận Tây Hồ 12/58 cửa hàng, quận Bắc Từ Liêm 33/66 cửa hàng, quận Cầu Giấy 50/111 cửa hàng, quận Nam Từ Liêm 30/44 cửa hàng, quận Ba Đình 36/74 cửa hàng, quận Hai Bà Trưng 72/100 cửa hàng, quận Thanh Xuân 70/98 cửa hàng, quận Hà Đông 38/78 cửa hàng, quận Hoàng Mai 63/101 cửa hàng, quận Long Biên 44/71 cửa hàng...
Đánh giá hiệu quả của Đề án này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước khi có Đề án nhiều chỉ tiêu như: an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận, mua sắm trang thiết bị… chỉ đạt hơn 20%, nhưng sau 6 tháng thực hiện các chỉ tiêu đều đạt trên 70%, thậm chí có những chỉ tiêu đạt trên 90%. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển trong quý 1, doanh thu tăng từ 20 - 50% do người dân dần nhận thức việc mua trái cây ở cửa hàng có thương hiệu sẽ yên tâm hơn.
Nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và tạo điều kiện cho các tỉnh, thành tiêu thụ sản phẩm thời gian qua, ngành Công thương đã thực hiện kết nối, tiêu thụ sản phẩm trái cây an toàn của 130 cơ sở, vùng trồng trái cây an toàn của 17 tỉnh, thành phố tới các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn trên địa bàn Hà Nội.
Ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả "Luôn tươi sạch" ở 72 Trần Thái Tông, Cầu Giấy - cửa hàng đã được gắn biển nhận diện cho biết, công tác cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với người kinh doanh và người tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng biết đến các sản phẩm của cửa hàng nhiều hơn, doanh thu của các cửa hàng tăng cao hơn thời điểm chưa được gắn biển nhận diện…
Cùng chung nhận định này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phân tích, đây là một trong những nguyên nhân khiến một số siêu thị không nằm trong diện phải cấp biển nhận diện, nhưng vẫn tích cực tham gia và đề nghị Sở Công Thương cấp biển nhận diện cho doanh nghiệp.
Khó khăn trong quản lý Việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trái cây còn khó. Ảnh: XC |
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Trần Thị Phương Lan, trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn những khó khăn như: Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong xử lý vi phạm, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trái cây. Một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ nhận thức về Đề án còn hạn chế nên chưa phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong việc hoàn thiện các thủ tục cũng như điều kiện thực tế để được cấp các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm, cấp biển nhận diện…
Cùng với đó, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc cũng gặp phải khó khăn do một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ khiến các cửa hàng kinh doanh khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ vậy, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen tiện đâu mua đấy, không chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây và vô tình “tạo điều kiện” cho các địa điểm kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè tồn tại. Một số sở, ngành, đơn vị trong quá trình thực hiện còn thiếu tích cực trong quá trình triển khai Đề án nên ảnh hưởng đến tiến độ đề ra.
Phó Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Long Biên (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Vĩnh chia sẻ, mặc dù trên địa bàn đã có 44/71 cửa hàng đã được cấp biển nhận diện (logo), nhưng giá trị thương hiệu, biển nhận diện còn yếu, nhận thức của người tiêu dùng đối với các biển nhận diện này chưa nhiều.
Việc gắn biển logo nhận diện trong Đề án là không bắt buộc, dẫn đến tình trạng có cửa hàng trong tiêu chuẩn được gắn biển lại từ chối vì lý do bận. Về thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2018, việc cấp biển nhận diện cũng được thực hiện đến 31/12/2018 nên chưa biết sau năm 2018 có tiếp tục duy trì hay thả lỏng?. Đáng chú ý, đối với các cửa hàng kinh doanh lớn việc đáp ứng các yêu cầu để được gắn biển nhận diện là không khó, nhưng đối với các cửa hàng còn lại, đa phần là các cửa hàng nhỏ lẻ lại không dễ, dẫn đến việc thực hiện mục tiêu đến hết năm 2018 tất cả các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn được gắn biển nhận diện khó đạt như kế hoạch đề ra.
Để logo có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh đề nghị Sở Công thương cần tăng cường công tác truyền thông để người dân có thể nhận diện, tuyên truyền việc gắn biển nhận diện là quyền lợi và trách nhiệm của các cửa hàng kinh doanh trái cây. Đồng thời, kiến nghị việc treo biển logo là không xác định thời hạn, nhưng có quy trình hậu kiểm của các cơ quan chức năng.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Biggreen cho biết, nên đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện được logo cửa hàng trái cây an toàn và biết đến nó như là một thương hiệu. Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh việc kết nối giữa người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng để người dân Thủ đô có được sản phẩm trái cây chất lượng tốt nhất và nguồn gốc rõ ràng.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây; giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trái cây tại các chợ đầu mối, cơ sở chuyên doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp quản lý. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý.
Để đạt được mục tiêu kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại và bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiê từ nay đến hết năm 2018, tất cả người kinh doanh được đào tạo, tập huấn an toàn thực phẩm và các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận được cấp biển nhận diện.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án này bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả đến người tiêu dùng; tuyên truyền đến các cửa hàng kinh doanh trái cây về các điều kiện để được cấp biển nhận diện.
Các lực lượng chức năng quận cần xử lý triệt để việc kinh doanh, buôn bán trái cây trên vỉa hè, lòng đường; đồng thời rà soát quỹ đất còn trống, nhất là các tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.